Tháng hành động vì trẻ em, chúng ta muốn hướng đến là xây nên những “ngôi trường hạnh phúc’ cho con trẻ. Muốn vậy, trẻ cần được thừa hưởng một môi trường lành mạnh, không có áp lực học hành, không cần quan tâm điểm số…
Tháng hành động vì trẻ em, chúng ta muốn hướng đến là ‘xây’ nên những đứa trẻ hạnh phúc. (Nguồn: Tuổi Trẻ) |
Những năm gần đây, dư luận đề cập nhiều việc học sinh gặp những áp lực học tập, áp lực thành tích bởi lịch học dày đặc, kiến thức nhiều. Đó là chưa kể không ít trẻ phải học thêm, học hè, học cả lễ tết, cuối tuần khiến các em không còn thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí. Như nhiều chuyên gia tâm lý đã chỉ ra, điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển tâm sinh lý của các em.
Biết rằng, các em phải học thì mới có kiến thức, mới trưởng thành. Tuy nhiên, nếu áp lực việc học thành trở ngại, biến các em thành những chiếc “máy học”, mệt mỏi, có lẽ cần thiết phải xem lại để điều chỉnh hợp lý.
Thật buồn mỗi khi đâu đó lại có vụ học sinh tự tử. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hành động dại dột, tiêu cực ở trẻ em. Nhưng trong đó, hẳn là không thể loại trừ nguyên nhân đến từ việc học. Những ganh đua về vị trí trong lớp, lịch học dày đặc, kín mít khiến nhiều trẻ trở thành “gà nòi”, “ngựa chiến”…
“Cha mẹ cũng cần thay đổi tư duy, điều chỉnh về việc đặt ra các kỳ vọng, mục tiêu đối với con em. Đừng nghĩ trẻ em chỉ cần học, bởi ngoài kia có nhiều điều con cần khám phá, bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách bên cạnh kỹ năng”. |
Đó là chưa kể, những kỳ vọng quá lớn mà phụ huynh áp đặt lên con. Sự xa cách giữa cha mẹ và con cái khiến trẻ trở nên cô đơn. Những lúc gặp khó khăn, trẻ không được lắng nghe, không được quan tâm, chia sẻ, khích lệ, để có thể tự giải quyết các vấn đề trong cuộc sống mà mình gặp phải như bị bắt nạt học đường, bị cô lập trong đám đông. Các em trở nên “nghèo nàn” kỹ năng mềm, kỹ năng sống.
Thử hỏi, học sinh cấp 2, cấp 3 hiện nay, có bao nhiêu em có thể tự nấu bữa cơm, có thể tự lập khi không có bố mẹ kề cận ở bên? Vì chạy đua với các kỳ thi, để vào trường chuyên, lớp chọn nên nhiều em không có nhiều thời gian để học và trải nghiệm kỹ năng sống, kỹ năng mềm. Đó là lý do tại sao, một bộ phận học sinh trở nên thiếu kiến thức thực tế và lúng túng không biết giải quyết vấn đề, dễ rơi vào thất vọng, trầm cảm.
Không phải chỉ thời nay mà thời nào, đứa trẻ đều cần được dạy kỹ năng, giáo dục về nhân cách từ những việc nhỏ. Làm sao để trẻ cảm thấy an toàn trong chính ngôi nhà của mình và có niềm tin vào cha mẹ mình. Cha mẹ hãy lắng lòng để thấu hiểu con. Hãy lắng nghe, hãy tôn trọng ý kiến, hãy cùng con giải quyết các vấn đề. Chỉ khi trở thành những “người bạn” với con, cha mẹ mới xóa được hàng rào ngăn cách.
Tháng hành động vì trẻ em, có lẽ điều chúng ta muốn hướng đến là “xây” nên những đứa trẻ hạnh phúc. Muốn vậy thì trẻ cần được thừa hưởng một môi trường hạnh phúc, lành mạnh. Cha mẹ cũng cần thay đổi tư duy, điều chỉnh về việc đặt ra các kỳ vọng, mục tiêu đối với con em. Đừng nghĩ trẻ em chỉ cần học, bởi ngoài kia có nhiều điều con cần khám phá, bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách bên cạnh kỹ năng.
Là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về Quyền trẻ em (CRC) vào năm 1990, đến nay, với những cam kết chính trị và sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của trẻ em Việt Nam trên mọi miền của đất nước không ngừng được bảo đảm. Ngày càng có nhiều trẻ em được bảo vệ, được sống, được chăm sóc sức khỏe, được học tập và được ưu tiên trong các chính sách phúc lợi.
Điều 100 Luật Trẻ em năm 2016 nêu rõ: Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm trau dồi kiến thức, kỹ năng giáo dục trẻ em về đạo đức, nhân cách, quyền và bổn phận của trẻ em; tạo môi trường an toàn, phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em; phòng ngừa trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, có nguy cơ bị xâm hại hoặc bị xâm hại.
Chúng ta có thể nói rất nhiều về Quyền trẻ em. Nhưng thật buồn khi đâu đó những vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ vẫn xảy ra và không có dấu hiệu giảm. Vẫn còn những quan điểm “thương cho roi cho vọt” và vẫn còn những ông bố, bà mẹ “sính” thành tích, “sính” điểm 10…
Hơn hết, phụ huynh hãy chủ động trong việc giáo dục con, không để bệnh thành tích chi phối. Chỉ khi phụ huynh không đo lường giá trị của trẻ qua điểm số, danh hiệu, khi đó áp lực của trẻ phần nào mới được cởi bỏ.
Tại phiên họp thứ 10 vào tháng 4/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu ra một hình thức bạo lực gia đình trước nay chưa nhiều người nghĩ tới. Bạo lực gia đình không chỉ là hành hạ, đánh đập, chửi bới, khủng bố tinh thần, mà còn có cả hành vi ép buộc con cái học nhiều.
“Chúng ta có thể nói rất nhiều về Quyền trẻ em. Nhưng thật buồn khi đâu đó những vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ vẫn xảy ra và không có dấu hiệu giảm. Vẫn còn những quan điểm ‘thương cho roi cho vọt’ và vẫn còn những ông bố, bà mẹ ‘sính’ thành tích, ‘sính’ điểm 10…”. |
Theo quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cha mẹ kỳ vọng quá lớn vào con cái nên ép buộc các cháu phải học đến 2-3h sáng, đòi hỏi con cái cứ phải được điểm 10 chính là tạo ra áp lực, vượt quá năng lực, khả năng của trẻ em.
Trẻ em – lẽ ra đó là lứa tuổi mà các em cần được vui chơi, được trải nghiệm nhiều thì lại bị “bó chân” vào bàn học. Hiện nay, người ta nói nhiều đến cụm từ “trường học hạnh phúc”, dạy kỹ năng sống cho trẻ, giáo dục để trẻ trở thành người tử tế… Nhưng câu chuyện cân bằng giữa học lý thuyết với trải nghiệm thực tế, vui chơi ở trẻ hiện nay vẫn còn là bài toán. Và còn một thức tế khác, cải cách giáo dục là vậy nhưng áp lực học tập của trẻ vẫn chưa giảm.
Có lẽ, để cởi bỏ những áp lực cho con, chính cha mẹ hãy học cách chấp nhận những thiếu sót của con, chấp nhận những bảng điểm chưa đẹp, để trẻ được học, được trải nghiệm, được vui chơi đúng nghĩa.