Cúng ông Công, ông Táo là một trong những phong tục truyền thống của người Việt. Theo quan niệm xưa, Táo quân là vị thần bảo vệ gia đình, quản việc bếp núc, phúc đức của gia chủ. Để được Táo quân phù trợ, các gia đình thường làm lễ tiễn đưa trọng thể.
Tục thờ Táo quân có từ lâu đời và có nhiều truyền thuyết khác nhau về nguồn gốc thờ Táo quân.
Theo tập quán thờ “Ngũ tự” (thờ 5 vị thần trong gia đình), người ta thờ thần Bếp (Táo quân), thần Giếng (Tĩnh thần), thần Cửa (Môn thần), thần Nhà (Hộ thần), thần Cửa sổ (Trung lưu thần).
Lại có thuyết nói ngũ tự là 5 vị thần Bếp (Táo quân), thần Đất (Thổ công), Tổ nghề (Tiên sư), thần cửa (Môn gia hộ úy), thần bảo hộ sức khỏe con người và vật nuôi (nhân súc Y thần).
Trong đó Táo quân, Thổ địa và Môn thần được thờ cúng phổ biến nhất. Táo quân (Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân) là vị chủ quản về phúc đức trong gia đình.
Ngoài ra, dân gian lưu truyền sự tích ba ông đầu rau, nói về nguồn gốc “vua bếp hai ông một bà”. Lại có truyền thuyết cho rằng, Táo quân là em Ngọc Hoàng, được Ngọc Hoàng phái xuống nhân gian làm Vua bếp, nắm bắt tình hình, những việc tốt – xấu trong gia đình. Ngày 23 tháng Chạp hàng năm, Vua bếp về trời tấu Ngọc hoàng để quyết định phúc – họa đối với gia đình đó.
Lễ cúng ông Công, ông Táo năm nay rơi vào thứ Sáu ngày 2/2 dương lịch. Theo phong tục truyền thống, các gia đình Việt luôn chuẩn bị đầy đủ lễ vật, chọn ngày giờ đẹp để cúng ông Công, ông Táo.
Nhiều người cho rằng, khi cúng ông Công, ông Táo phải bày mâm lễ hoặc phải thắp nhang trong gian bếp. Tuy nhiên, chuyên gia phong thủy Phạm Cương cho rằng, đây là quan điểm cá nhân của một số người và thường không phổ biến.
Lý do là bởi, theo quan niệm của người Việt, ban thờ gia đình và bát hương như “trạm thu phát sóng” để các vị thần linh, tổ tiên thụ hưởng lễ vật.
Nếu không có bát nhang thờ cúng Táo quân thường xuyên trong góc bếp mà vẫn bày lễ vật ở đó sẽ là không phải phép và thiếu sự chỉn chu trong cúng lễ. Dân gian cho rằng, các bậc bề trên có thể sẽ không nhận được những lời nhắn nhủ, nguyện cầu của gia chủ.
Về ngày đẹp, giờ đẹp cúng ông Công, ông Táo, chuyên gia phong thủy Phạm Cương cho rằng, các gia đình nên cúng trước thời điểm ông Công, ông Táo về trời – trước giờ Ngọ (12h) trưa ngày 23 tháng Chạp.
“Các gia đình có thể cúng từ ngày 17-18 Âm lịch, chọn giờ cúng phù hợp với điều kiện, công việc của mình. Những ai làm công chức, nhân viên văn phòng hoặc kinh doanh bận rộn có thể chọn làm lễ cúng vào ngày nghỉ, trước ngày 23 một vài hôm.
Nhiều người thường xem âm dương ngũ hành rồi lo ngày nọ xung ngày kia, tôi thấy điều này là rườm rà, không cần thiết. Việc cúng lễ quan trọng nhất vẫn là ở lòng thành”, chuyên gia phong thủy Phạm Cương nói.