Sáng 2/2 (tức 23 tháng Chạp), nhiều người dân đến chùa Diệu Pháp (quận Bình Thạnh) để thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo về trời.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, nhiều người dân mang cá đến bờ sông bày tỏ sự vui mừng khi thấy tàu kiểm ngư và ca nô của lực lượng cảnh sát có mặt tại khu vực sông Sài Gòn.
“Năm ngoái thả cá xuống thì bị một vài người dùng vợt bắt lên, tôi thấy buồn vì cá vừa thả ra đã bị bắt. Năm nay thấy công an xuất hiện để giám sát, tôi và mọi người ở đây cũng an tâm phần nào cho số phận các chú cá”, bà Nguyễn Thị Diệu (ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ.
Theo văn hóa người Việt Nam, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, ông Táo lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong năm với Ngọc Hoàng.
Cá chép vàng là biểu tượng của sự may mắn, cũng là biểu tượng của sự vượt khó vươn lên, khả năng “vượt vũ môn” hóa rồng.
Nhiều người mang cá đến chùa để làm lễ sau đó mang ra bờ sông Sài Gòn để thả.
Nhiều người cũng lựa chọn việc đi thuyền ra giữa sông để phóng sinh thay vì thả cá ở ven bờ.
“Tháng nào tôi cũng mua cá để phóng sinh, vì số lượng nhiều nên tôi thuê thuyền ra giữa sông để thả với hy vọng cá sẽ thích nghi môi trường tốt hơn”, chị Phạm Ngọc Thảo Vy (ngụ quận Bình Thạnh) nói.
Nhiều người dân sống cạnh chùa Diệu Pháp cũng tranh thủ mang thuyền đến đây để chở khách thuê, kiếm thêm thu nhập.
Ngoài thả cá chép đỏ vào ngày ông Công ông Táo, nhiều người còn thả phóng sinh các loại cá khác như cá trê, cá lóc… trong những ngày cuối năm để cầu mong bình an.
“Gia đình tôi làm mâm cúng đơn giản và thả cá cho ông Táo về trời từ sáng sớm. Sau đó tranh thủ đến chùa để lễ Phật, cầu bình an cho gia đình trong những ngày cuối năm”, bà Lê Ngọc Hoàng Huyên (74 tuổi) chia sẻ.
Việc phóng sinh cá chép cũng là một phong tục đẹp của người Việt, khuyến khích làm điều phước lành, lương thiện.