1.500 doanh nghiệp công nghệ không hề đơn độc khi đi ra biển lớn, đằng sau họ có sự hậu thuẫn của nhiều cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội. Đại sứ của ta ở các thị trường nước ngoài trọng điểm đều đang hoạt động như một “đại sứ công nghệ”. Thúc đẩy ngoại giao kinh tế trong lĩnh vực công nghệ chính là cách mở đường để ngành công nghiệp công nghệ số của Việt Nam tiến xa hơn.
Cùng với nỗ lực của các doanh nghiệp công nghệ, sự đồng hành của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, các hiệp hội… đã giúp đưa trí tuệ Việt Nam ra toàn cầu.
Năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài với chiến lược thúc đẩy đưa sản phẩm công nghệ số Việt Nam ra nước ngoài nói chung và thúc đẩy xuất khẩu phần mềm nói riêng.
Kể từ khi Tổ tư vấn đi vào hoạt động, Bộ đã xúc tiến đưa 7 đoàn đưa doanh nghiệp ra nước ngoài; kết nối 60 doanh nghiệp Việt đến với hơn 3.000 doanh nghiệp, tổ chức quốc tế; tổ chức hơn 100 cuộc tìm kiếm đối tác kinh doanh (business matching) của doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài.
Bộ cũng triển khai nhiều gian hàng quốc gia trưng bày sản phẩm công nghệ thông tin của Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các giải thưởng công nghệ số quốc tế như Giải thưởng Công nghệ số Asean (ADA), Giải thưởng công nghệ thông tin châu Á-Thái Bình Dương (APICTA); tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư tại Việt Nam để mở cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đi ra thế giới; tổ chức cuộc gặp gỡ giữa các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (phần lớn là doanh nghiệp phần mềm) có nhu cầu thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm công nghệ số ra nước ngoài với tham tán thương mại của Việt Nam tại 10 nước trên thế giới.
Bộ cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các giải thưởng công nghệ số quốc tế như Giải thưởng Công nghệ số Asean ADA, Giải thưởng công nghệ thông tin châu Á-Thái Bình Dương APICTA. Năm 2024, các doanh nghiệp Việt đã dẫn đầu 10 nước ASEAN về số huy chương vàng, bạc tại ADA 2024…
Tại Hội nghị với trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, ngoại giao kinh tế phải có những đột phá trong năm 2024. Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài đã triển khai công tác ngoại giao kinh tế một cách toàn diện, đi vào chiều sâu, thực chất, mở ra các hướng đi mới mang tính đột phá, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư, ngày 20/2/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP về Chương trình hành động về ngoại giao kinh tế giai đoạn 2022-2026; Bộ Ngoại giao đã ban hành Chương trình hành động triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và giai đoạn 2024-2025.
Chương trình hành động gồm 7 trọng tâm, trong đó có việc huy động nguồn lực thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới trong các lĩnh vực công nghệ cao như kinh tế số, công nghệ thông tin, bán dẫn, AI… Bộ Ngoại giao xác định các ngành, lĩnh vực công nghệ cao sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới cho kinh tế Việt Nam, mở rộng không gian phát triển của Việt Nam.
Theo bà Đoàn Phương Lan, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao, với phương châm ngoại giao kinh tế lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, phát huy vai trò là thành viên Tổ công tác hỗ trợ Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số ra thị trường nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã kiến nghị lồng ghép các nội dung hợp tác số, công nghệ thông tin trong các hoạt động tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao, trong nâng tầm, nâng cấp quan hệ đối tác với nhiều đối tác lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Singapore…
Về tạo dựng môi trường thuận lợi cho hợp tác số, các nội dung về hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao như công nghệ hỗ trợ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ thông tin, bán dẫn, AI… trở thành một trong những nội hàm quan trọng trong nâng cấp quan hệ với các đối tác lớn, thiết lập các cơ chế đối tác chiến lược về số và công nghệ thông tin với các đối tác lớn, tiềm năng.
“Thời gian qua, Việt Nam đã ký kết Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, trong đó hợp tác khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trọng tâm ưu tiên; ký kết Đối tác Kinh tế xanh- kinh tế số với Singapore; hay Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật bản trong kỷ nguyên mới, để thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế số và doanh nghiệp số của Việt Nam. Không chỉ trong quan hệ song phương, tại các khuôn khổ đa phương, Bộ Ngoại giao cũng thúc đẩy và nhiều khuôn khổ đa phương như việc thúc đẩy, hỗ trợ, kết nối để TP Hồ Chí Minh hợp tác với Diễn đàn kinh tế thế giới thành lập Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0, tham gia vào mạng lưới Cách mạng công nghiệp 4.0 của Diễn đàn kinh tế thế giới”, bà Đào Phương Lan chia sẻ.
Trong kỷ nguyên của thông tin, dường như không khó để tìm kiếm các thông tin về thị trường, về đối tác, về cơ chế chính sách của các thị trường ở bên ngoài. Các doanh nghiệp số của Việt Nam cũng rất năng động chủ động tìm hiểu, ký kết hợp đồng và lập văn phòng đại diện tại nhiều thị trường. Tuy nhiên, cơ hội luôn đi liền với cạnh tranh. Các doanh nghiệp của Việt Nam cạnh tranh với doanh nghiệp các nước khác. Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, thâm nhập thị trường và liên kết thị trường,mạng lưới 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt ở các thị trường tiềm năng cho hợp tác số đang làm một nhiệm vụ giúp cho ngành công nghiệp công nghệ số của Việt Nam luôn “hiện diện” tại thị trường sở tại.
Điều đó được hiện thực hóa bằng việc quảng bá, giới thiệu, đưa thông tin về tiềm năng của các doanh nghiệp số của Việt Nam tới thị trường bên ngoài qua nhiều kênh để giúp các thị trường biết đến doanh nghiệp của ta, hiểu doanh nghiệp của ta và tiến tới tin cậy doanh nghiệp của ta.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ thông tin, doanh nghiệp số tham gia các hoạt động xúc tiến, đầu tư, kết nối với các đối tác tại sở tại. Nhân dịp các đoàn doanh nghiệp công nghệ thông tin ra nước ngoài, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, hiệp hội, doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá đa dạng như Vietnam IT Day, IT Business Matching, Hội thảo thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, kinh tế số….
Việc vận động chính quyền các nước tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mở văn phòng đại diện, mua bán sáp nhập các doanh nghiệp công nghệ thông tin, tham gia các gói thầu cung ứng dịch vụ, hỗ trợ kỹ thuật cho chính quyền và doanh nghiệp sở tại cũng được thúc đẩy thường xuyên.
“Đáng chú ý, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ cung ứng cho các hiệp hội, tập đoàn lớn mà nhận được sự tin tưởng, giới thiệu ký kết các hợp đồng với các công ty con trực thuộc tập đoàn, các thành viên hiệp hội ở các nước khác, nhất là khu vực Trung Đông”, bà Đoàn Phương Lan chia sẻ.
Các nhiệm vụ này được điều phối bởi Ban chỉ đạo công tác Ngoại giao kinh tế của Bộ Ngoại giao do một Thứ trưởng làm Trưởng Ban. Ban chỉ đạo Ngoại giao kinh tế đã phối hợp chặt chẽ với nhiều bộ, ngành như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Kế hoạch đầu tư, các địa phương, hiệp hội và cả những doanh nghiệp lớn để tạo nên một sức mạnh tổng hợp có sự bổ trợ lẫn nhau cùng đưa doanh nghiệp số của Việt Nam ra ngoài.
Một trong những bước chuyển dịch quan trọng trong công cuộc đổi mới lần thứ hai của lĩnh vực viễn thông – công nghệ thông tin – công nghệ số thời gian tới đó là “từ thị trường trong nước là chính sang thị trường quốc tế là chính”.
Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, Việt Nam có 100 triệu dân, đang trong quá trình chuyển đổi số toàn diện, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bài toán của 100 triệu dân cũng đủ để phản ánh, đại diện cho các bài toán của thế giới. Khi các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước giải quyết được bài toán của Việt Nam sẽ giúp hiểu nhu cầu thị trường, tích lũy được năng lực nghiên cứu, phát triển sản phẩm, hoàn thiện được chất lượng sản phẩm, tích lũy kinh nghiệm quản lý, bán hàng. Do vậy, doanh nghiệp công nghệ thông tin thành công trong nước hoàn toàn có thể thành công trên thị trường quốc tế và khẳng định vị thế của mình trên bản đồ thế giới.
Hơn 20 năm qua, Hiệp hội phần mềm VINASA cũng đã tạo nên một cộng đồng công nghiệp số vững mạnh. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp trẻ trở thành hội viên. Những kinh nghiệm được chia sẻ từ các đàn anh đi trước về tiếp cận các thị trường lớn, được hỗ trợ về mặt pháp lý khi làm với đối tác nước ngoài… tạo ra sức mạnh tập thể, bền vững cho VINASA để các doanh nghiệp cùng đồng hành vươn ra biển lớn.
Nhấn mạnh đến vai trò của Chính phủ trong việc có các cơ chế, chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu phần mềm và dịch vụ ra trường quốc tế, Phó Chủ tịch VINASA Nguyễn Thị Thu Giang tin tưởng tiềm năng thị trường và đích đến của doanh nghiệp Việt là không giới hạn, doanh thu sẽ tăng trưởng vượt bậc, đem lại nguồn ngoại tệ tốt, góp phần phát triển kinh tế đất nước, đồng thời gia tăng vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin trên trường quốc tế.
Hàng năm, VINASA thường tổ chức từ 8-12 chương trình xúc tiến thương mại nước ngoài, đưa doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, bà Giang cho hay, hiện ngân sách chỉ phê duyệt 2 chương trình xúc tiến thương mại/năm trong suốt hơn 10 năm qua với nguồn kinh phí hỗ trợ khoảng 2-2,5 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,017% tổng kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia hàng năm (khoảng 139 tỷ đồng).
“Các chương trình được phê duyệt ít hơn rất nhiều so với nhu cầu thực tế, trong khi các hoạt động chuyển đổi số là ngành xanh, có thế mạnh, nguồn lực, đem lại giá trị kinh tế cao cho đất nước, cần được chú trọng thúc đẩy phát triển nhiều hơn nữa”, bà Giang bày tỏ.
Để đưa các doanh nghiệp công nghệ số “go global”, Phó Chủ tịch VINASA rất mong Bộ Thông tin và Truyền thông; các cục, vụ, viện của Bộ tham gia đồng hành cùng VINASA từ sớm, giúp phát huy thế mạnh của Bộ và hiệu quả của các chương trình này.
Sản phẩm, ứng dụng, giải pháp của các doanh nghiệp Việt Nam có thể có chất lượng tốt so với các quốc gia trong khu vực, tuy nhiên do chưa có nhiều cơ hội cọ xát tại các cuộc sát hạch, thi quốc tế nên các doanh nghiệp Việt sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi đưa sản phẩm trí tuệ Việt ra quốc tế. Kinh phí tham gia các chương trình này khá nhiều so với kinh phí marketing của các doanh nghiệp nên nhiều doanh nghiệp chưa thể tham gia.
Do đó, VINASA đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất chương trình xúc tiến thương mại thúc đẩy xuất khẩu, hợp tác và thu hút đầu tư phát triển ngành công nghệ số, kinh tế số tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông trao đổi và làm việc với Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương về việc dành nguồn kinh phí lớn hơn cho các chương trình thúc đẩy xuất khẩu, hợp tác, đầu tư cho ngành, doanh nghiệp công nghệ thông tin mang sản phẩm dịch vụ số đi ra thế giới.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam vươn ra biển lớn, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ thông tin trong giai đoạn 2030 nhằm khả thi và tổ chức triển khai có hiệu quả như: Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về công nghiệp công nghệ số phù hợp với Việt Nam và thông lệ quốc tế; phát triển kết cấu hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số; Phát triển nguồn nhân lực; phát triển thị trường cho công nghiệp công nghệ số, các sản phẩm ứng dụng công nghệ số; nâng cao năng lực làm chủ công nghệ số, nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm, dịch vụ công nghệ số thiết kế, sản xuất trong nước có chất lượng và thương hiệu; đồng bộ, thống nhất hệ thống, tổ chức để quản lý, thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm “make in Viet Nam” có thể xây dựng được thương hiệu, cạnh tranh với các sản phẩm ngoại, mở rộng thị trường trong lĩnh vực công nghệ số, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, trong đó có nội dung xây dựng thương hiệu ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chia sẻ, hiện chưa có nhiều doanh nghiệp công nghệ số có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia. Trong khi đó, lợi ích của việc tham gia chương trình này sẽ tạo nên bản sắc riêng biệt, đánh giá mức độ thành công và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Đây là một việc tối quan trọng với doanh nghiệp công nghệ số để vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa khẳng định được thương hiệu khi đi ra biển lớn.
Tạo ra khuôn khổ chưa đủ, cần phải cụ thể hóa thành các chương trình, các dự án cụ thể doanh nghiệp mới có thể hưởng lợi từ những quan hệ đối tác chiến lược về hợp tác số, công nghệ cao. Do đó, để tiếp tục thúc đẩy ngoại giao kinh tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin, bà Đoàn Phương Lan, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao cho hay, cần đưa hợp tác số và công nghệ thông tin thành “trụ cột hợp tác” trong các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao để tạo ra các “cú hích” cho hợp tác số và công nghệ thông tin.
Đồng thời, cũng cần phải thúc đẩy việc cụ thể hóa những cam kết thỏa thuận đã đạt được với các đối tác thành các kế hoạch, chương trình hợp tác số và công nghệ thông tin và bảo đảm các kế hoạch, chương trình này được triển khai hiệu quả. Nhân các chuyến thăm của Lãnh đạo ta tới Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc hay các chuyến thăm Việt Nam của Lãnh đạo Trung Quốc, Hoa Kỳ, các Bộ, địa phương đã ký các thỏa thuận về hợp tác đầu tư, cung ứng tài chính, đào tạo trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, viễn thông, chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp… là những thỏa thuận quan trọng, mở ra không gian phát triển cho doanh nghiệp ta trong nhiều lĩnh vực mới.
Chính vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ/ngành hàng tháng phải rà soát việc thực hiện các cam kết, thỏa thuận đã ký kết.
Với lợi thế của mạng lưới 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tiếp tục hỗ trợ trong nước thông tin từ bên ngoài như thông tin về kinh nghiệm các nước trong hỗ trợ các doanh nghiệp số, hợp tác số, hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và hỗ trợ hiệp hội và doanh nghiệp thành viên tham gia các sáng kiến, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của các đối tác, tham dự các sự kiện có quy mô lớn ở nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực mới như bán dẫn, AI… thúc đẩy hợp tác số và công nghệ thông tin trong các sự kiện quốc tế mà Việt Nam đăng cai.
Với Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Bộ Ngoại giao cũng đang đẩy mạnh hợp tác theo hướng cập nhật thông tin cho doanh nghiệp, hỗ trợ tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư tại các thị trường tiềm năng, hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng hợp tác kinh doanh.
“Chúng tôi tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế góp phần phát triển ngành công nghệ thông tin. Hai Bộ đang nghiên cứu để triển khai một chương trình hợp tác nhằm tạo một cơ chế gắn kết giữa một số Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài ở các thị trường trọng điểm với các hiệp hội doanh nghiệp công nghệ thông tin và doanh nghiệp số để thông tin được thông suốt, sự hỗ trợ được tập trung và quan trọng là hỗ trợ đúng và trúng các nhu cầu về hợp tác số của doanh nghiệp Việt Nam ”, bà Đoàn Phương Lan cho hay.
Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động tổ chức đoàn Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài mới được bổ nhiệm làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, để bám sát định hướng phát triển của doanh nghiệp và các vấn đề liên quan cần hỗ trợ.
“Với tinh thần Mở đường – Tham mưu – Đồng hành – Tháo gỡ khó khăn, để thúc đẩy công tác Ngoại giao kinh tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Đại sứ của ta ở các thị trường trọng điểm bên ngoài đều đang hoạt động như một “Đại sứ công nghệ” với nhiệm vụ quảng bá tiềm năng, thúc đẩy kết nối, thúc đẩy hợp tác số, hỗ trợ doanh nghiệp số và công nghệ thông tin vững tin trên con đường vươn ra biển lớn” bà Lan bày tỏ.
***
Ngày 7/7 tới đây, 10 công ty công nghệ thông tin Việt Nam sẽ thành lập Hiệp hội chuyển đổi số của Việt Nam tại Nhật Bản. Hiệp hội được thành lập với mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số tại thị trường Nhật Bản và Việt Nam. Đây được xem là một cú hích cho các doanh nghiệp Việt Nam, có thêm sức mạnh tập thể, sát cánh cùng nhau trên hành trình tiếp tục khẳng định chỗ đứng và phát triển hơn nữa tại thị trường Nhật Bản.
Cùng với “bệ đỡ” của Chính phủ, các bộ, ban, ngành trong nước, việc thành lập hiệp hội doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam ở các thị trường nước ngoài có thể là mô hình mới, mở ra những cánh cửa rộng lớn hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam tiến sâu vào thị trường tiềm năng, cắm thêm nhiều dấu mốc trên bản đồ công nghệ số thế giới.
Nguồn:https://special.nhandan.vn/di-ra-bien-lon/index.html