Thời đại công nghệ 4.0 đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, mang lại nhiều tiện ích nhưng cũng kéo theo nhiều mối lo ngại. Thực tế này đòi hỏi phụ huynh, nhà trường phải có kỹ năng kết nối, đồng hành cùng con bước vào thời đại số.
Cùng với gia đình, nhà trường cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục, ngăn ngừa những rủi ro, cám dỗ trên môi trường mạng.
Thế hệ “Gen Z” sinh ra và lớn lên gắn liền với công nghệ, do vậy hành trang cho con bước vào thế giới công nghệ tất nhiên không thể không có những trải nghiệm số. Thời đại công nghệ với rất nhiều điều mới mẻ, thu hút, thậm chí có thể “gây nghiện” nếu trẻ không có các kỹ năng cần thiết. Do đó, phụ huynh, nhà trường cần đồng hành, theo sát để cùng con trải nghiệm.
Chị Nguyễn Thị Thu ở phường Đông Sơn (TP Thanh Hóa) chia sẻ: Tôi có 2 con gái đang trong độ tuổi học THCS, THPT. Ở lứa tuổi này, nhiều phụ huynh băn khoăn có nên cho con sở hữu smart phone (điện thoại thông minh), máy tính bảng riêng không? Băn khoăn này xuất phát từ những “nỗi sợ”. Sợ con bị mất nhiều thời gian, bị ảnh hưởng bởi những thông tin xấu độc, văn hóa phẩm đồi trụy tràn lan trên môi trường mạng, tội phạm lừa đảo ngày càng tinh vi… Tuy nhiên, nếu không cho con sử dụng smart phone thì lại lo con không kết nối với thầy cô, bạn bè để học tập; chậm cập nhật các kiến thức phục vụ việc học tập, chậm cập nhật kiến thức về công nghệ… Do đó, tôi thường xuyên đồng hành, chia sẻ, dạy con cách đối diện với những hiểm họa trên internet. Dạy con không công khai thông tin cá nhân, đặc biệt không cung cấp, trao đổi những hình ảnh, video và nội dung nhạy cảm tránh bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo…
Một vấn đề khác cũng khá “nóng bỏng” trong thời đại công nghệ số đó là làm sao để sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả, tích cực? Chị Nguyễn Thanh Xuân ở phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) cho biết: Tôi có 2 con trai đều đang ở độ tuổi THPT. Thời gian gần đây việc các bạn trẻ “gây hấn” trên mạng xã hội thông qua các bình luận, bài đăng dẫn đến mâu thuẫn, xô xát xảy ra rất nhiều. Để “phòng ngừa”, tôi thường xuyên tâm sự, chia sẻ cùng con, dạy con trước khi bình luận, chia sẻ hay đăng tải bất cứ thông tin gì đều cần phải suy nghĩ kỹ, không đăng tải những nội dung nhạy cảm, gây tranh cãi. Vì những bài đăng trên mạng sẽ có nhiều người xem, có thể con sẽ bị người khác soi mói, đánh giá, bình luận tiêu cực khiến con thấy buồn hay lo sợ. Bên cạnh đó, thông tin được đăng tải trên mạng xã hội không phải lúc nào cũng đúng. Có rất nhiều tin sai sự thật, thông tin kích động chống phá Nhà nước… được lan truyền trên mạng. Nếu không tìm hiểu kỹ mà chia sẻ các nguồn tin sai trái sẽ làm ảnh hưởng đến nhận thức, tiếp tay cho kẻ xấu lan truyền tin giả, thậm chí vi phạm pháp luật.
Mạng xã hội là ảo nhưng những hệ lụy nó mang lại là thật. Do đó, phụ huynh nên quản lý con bằng cách quy định thời gian sử dụng internet theo từng độ tuổi; học cùng con trên internet; thường xuyên thảo luận với con về những nguy cơ, trang bị kỹ năng bảo vệ bản thân trên môi trường mạng… Ngoài ra, phụ huynh cũng nên làm gương khi sử dụng mạng xã hội, dành thời gian đi chơi, tâm sự cùng con; có sự điều chỉnh kịp thời, phù hợp khi thấy con có dấu hiệu sa đà vào việc sử dụng internet, chơi game; đăng ký cho con tham gia các khóa học về kỹ năng sống, các hoạt động ngoại khóa để giúp con luôn có thêm các kỹ năng thực hành xã hội bổ ích…
Bên cạnh đó, cùng với gia đình, nhà trường cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục, định hướng, ngăn ngừa những rủi ro, cám dỗ trên môi trường mạng, trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết khi sử dụng mạng, làm sao để các con trở thành những công dân thông minh trong thời đại số.
Bài và ảnh: Linh Hương