Trong một phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: phòng chống tham nhũng, tiêu cực “phải phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, không vì đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế – xã hội”.
Nhắc nhở trên của người đứng đầu Đảng ta lại một lần nữa đặt ra yêu cầu cần có những giải pháp cụ thể để bảo vệ guồng máy hoạt động hiệu quả, hiệu lực của tổ chức Đảng, nhà nước ở các cấp. Guồng máy đó phải có được những cán bộ, đảng viên, viên chức trách nhiệm và tâm huyết thực hiện “6 dám”; khắc phục cho được tình trạng sợ trách nhiệm, không dám đưa ra quyết định và trên thực tế phần nào đã gây tắc trách, giảm hiệu quả bộ máy nhà nước của chúng ta.
Đi kèm với giải pháp cụ thể thì người đứng đầu Đảng ta cũng thể hiện quyết tâm rất rõ trong xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái, vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng.
Xử lý nghiêm là hoàn toàn đúng đắn. Nhưng để công tác xây dựng, củng cố Đảng và hệ thống chính trị gắn với công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực đạt kết quả tối ưu, chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến phương châm và mối quan hệ giữa “xây” và “chống” trong xây dựng, củng cố tổ chức Đảng, hệ thống chính trị.
Chúng ta luôn coi trọng và đề cao “tính tự giác” của người cán bộ, đảng viên. Song khi sa vào tham nhũng, tiêu cực, người cán bộ, đảng viên đã không còn trung thực với Đảng, tính tự giác và tư cách trong sáng không còn nữa; trong khi sự kiểm soát và giám sát của tổ chức Đảng đối với cán bộ, đảng viên phần nhiều vẫn dựa trên tinh thần tự giác, trên cơ sở những chuẩn mực đạo đức, những điều quy định của Đảng đã xác định…
Về mặt nhà nước, cơ chế, pháp luật, những yếu tố của “pháp trị” để kiểm soát, giám sát, quản lý người cán bộ, đảng viên trước hết là một công dân vẫn chưa hoàn chỉnh và chưa phát huy đầy đủ tác dụng. Đây là một lỗ hổng, dẫn đến nhiều hệ lụy sau đó mà ai cũng thấy rõ.
Đảng và Nhà nước đang tích cực xây dựng hoàn thiện thể chế “phòng chống tham nhũng, tiêu cực”, trọng tâm là hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực, kiểm soát tài sản, và thu nhập của người có chức, có quyền khắc phục bất cập, sơ hở trong cơ chế, chính sách…, góp phần tạo lập hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, hạn chế những điều kiện dẫn đến lợi dụng tham nhũng, tiêu cực.
Đây là một tiến trình khó khăn, phức tạp và lâu dài, phải có thời gian, nhưng nhất định phải vượt qua để luật pháp được hoàn thiện. Qua đó mới có thể kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa “pháp trị” và “đức trị”, làm cho yếu tố “xây” trong công tác xây dựng Đảng phát triển vững chắc, qua đó làm trong sạch các tổ chức Đảng cùng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Khi có một đội ngũ thật sự trong sạch, hoạt động công tâm, hiệu quả trên mọi lĩnh vực thì nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế – xã hội mới có thể đạt được điều kiện phát triển vượt bậc.
Trung tướng LƯU PHƯỚC LƯỢNG
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/cung-co-yeu-to-xay-trong-cong-tac-xay-dung-dang-post756711.html