Việc diễn viên Uyển Ân mặc trang phục đạo Mẫu ở phim “404 Chạy ngay đi” là hành vi làm sai lệch di sản, theo Cục Di sản văn hóa.
Phân đoạn có nữ diễn viên Uyển Ân mặc trang phục tín ngưỡng thờ Mẫu được bổ sung ở phần quảng cáo sau phim “404 Chạy ngay đi” của Thái Lan, dành riêng cho khán giả Việt Nam.
Khi phim ra rạp, tạo hình của Uyển Ân gây tranh cãi về việc quảng bá và sử dụng chất liệu di sản văn hóa.
Một khán giả đã gửi email tới Cục Di sản văn hóa hỏi về hình ảnh trang phục di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ xuất hiện ở phim “404 Chạy ngay đi”, để làm rõ liệu “hành động của diễn viên Uyển Ân có sai không” và “nếu có sai thì cơ quan nào sẽ giải quyết”.
Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) trả lời: “Việc sử dụng trang phục của tín ngưỡng thờ Mẫu diễn những nội dung kinh dị trong phim “404 Chạy ngay đi” là hành vi làm sai lệch di sản văn hóa phi vật thể, gây bức xúc cho các nghệ nhân, người thực hành, cộng đồng chủ thể văn hóa của di sản và không phù hợp với văn hóa truyền thống Việt Nam”.
Theo đó, trang phục được sử dụng trong phim của diễn viên Uyển Ân là một trong những trang phục truyền thống của di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2016.
Để tránh việc có thể hiểu sai lệch ý nghĩa, giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”, ngày 6.1.2025, Cục Điện ảnh đã yêu cầu nhà phát hành phim cắt bỏ hình ảnh nhân vật mặc trang phục đạo Mẫu do diễn viên Uyển Ân đóng được quảng cáo sau khi kết thúc phim, cụ thể ở phần giới thiệu sau phim.
Nhà phát hành sử dụng bản phim đã cắt bỏ hình ảnh nêu trên để tiếp tục phát hành thương mại.
Phản hồi của Cục Di sản văn hóa dựa trên căn cứ các quy định của Luật Di sản văn hóa, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể mà Việt Nam là một trong những Quốc gia thành viên.
Theo đó:
- Điều 20 Luật Di sản văn hóa: “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, ngăn chặn nguy cơ làm sai lệch, bị mai một hoặc thất truyền”;
- Điểm a, b khoản 2, Điều 4 Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa: “2. Những hành vi gây nguy cơ hủy hoại hoặc làm giảm giá trị di sản văn hóa phi vật thể: a) Phổ biến và thực hành sai lệch nội dung di sản văn hóa phi vật thể; b) Tùy tiện đưa những yếu tố mới không phù hợp làm giảm giá trị di sản văn hóa phi vật thể”;
- Khoản 3, Điều 5 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo: “Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm: 3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo”,
- Điều 13, 15 Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể;
- Nguyên tắc thứ 10 trong các nguyên tắc đạo đức đối với bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO: “Các cộng đồng, nhóm người và, trong một số trường hợp, các cá nhân phải đóng vai trò chủ chốt trong việc quyết định những gì là các nguy cơ đối với di sản văn hóa phi vật thể của họ bao gồm việc thay đổi bối cảnh di sản, biến di sản thành hàng hóa, trình bày sai lệch và trong việc quyết định làm thế nào để ngăn ngừa và giảm thiểu những nguy cơ đó”;
- Đoạn 102 Hướng dẫn thực hiện Công ước 2003: “Tất cả bên tham gia được khuyến khích đặc biệt thận trọng nhằm đảm bảo rằng các hoạt động nâng cao nhận thức sẽ không: (a) làm biến đổi bối cảnh hoặc bản chất tự nhiên của các hình thức thể hiện và biểu đạt của di sản văn hóa phi vật thể có liên quan; (b) gán cho các cộng đồng, nhóm người hoặc các cá nhân có liên quan rằng họ không tham gia vào đời sống đương đại, hoặc gây phương hại đến hình ảnh của họ dưới bất kỳ hình thức nào;…”.
Nguồn
Bình luận (0)