Bộ Công Thương vừa có trả lời kiến nghị của một số đoàn đại biểu Quốc hội liên quan đến vấn đề giá điện và việc đảm bảo cung ứng điện.
Theo đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phản ánh băn khoăn của cử tri, năm 2023 ngành điện đã hai lần tăng giá điện là do thua lỗ, trong khi người dân chỉ cần chậm đóng tiền điện 1-2 ngày thì điện lực cắt điện.
Băn khoăn người dân chỉ cần chậm đóng tiền điện 1-2 ngày là cắt
Do đó, cử tri đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương và cơ quan chức năng kiểm tra tình hình kinh doanh của ngành điện, xem xét giảm giá điện cho nhân dân, nhất là trong điều kiện kinh tế còn khó khăn.
Tương tự, cử tri Hà Nội cũng mong muốn có biện pháp kịp thời để ổn định giá điện, giá xăng dầu khi các mặt hàng này tăng giá dẫn tới giá cả hàng hóa tăng, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.
Cử tri Đà Nẵng phản ánh giá điện tăng nhanh và cách tính giá điện chưa hợp lý, do người dân phải gián tiếp trả các khoản bù lỗ của ngành điện. Vì vậy, cử tri kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo giảm giá, thực hiện bình ổn giá điện, có cách tính giá điện hợp lý để giảm bớt khó khăn.
Cử tri tỉnh Tiền Giang đề nghị Bộ Công Thương xem xét sửa đổi quyết định về giá bán điện, theo hướng tăng hạn mức sử dụng của nhóm khách hàng sinh hoạt tại bậc 1 của biểu giá bán lẻ điện từ 0-50kWh lên mức 0-100kWh nhằm phù hợp nhu cầu của người dân.
Trong khi đó, cử tri tỉnh Vĩnh Phúc thì đánh giá dù ngành điện đã có những đóng góp cho sự phát triển đất nước nhưng vẫn xảy ra tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên, tăng giá điện được người dân quan tâm.
Do đó, cử tri đề nghị sớm tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia vào quá trình sản xuất, phân phối điện.
Trả lời các vấn đề này, Bộ Công Thương cho hay theo quy định tại quyết định 24 của Thủ tướng (hiện được thay thế bởi quyết định 05/2024 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân), hằng năm Bộ Công Thương tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra chi phí, giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sau khi báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện, báo cáo tài chính của EVN và các đơn vị thành viên đã được kiểm toán độc lập.
Sau khi kết thúc kiểm tra, Bộ Công Thương sẽ công bố công khai kết quả kiểm tra, gồm các chi phí thực tế và kết quả trong sản xuất kinh doanh (gồm khoản lỗ/lãi). Kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện, giá thành điện hằng năm sẽ là một trong những cơ sở để xem xét điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.
Điều chỉnh tăng giá điện phản ánh đúng chi phí
Bộ Công Thương khẳng định việc thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2023 là theo đúng quy định tại quyết định 24, phản ánh chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN và chỉ bao gồm những chi phí thực tế phục vụ trực tiếp cho sản xuất, cung ứng điện của EVN, cũng như có đánh giá tác động đến tổng thể kinh tế vĩ mô, sản xuất của doanh nghiệp và đời sống người dân.
Trả lời về khả năng giảm giá, bộ cho hay việc điều hành giá điện hiện thực hiện theo quy định tại quyết định 05/2024, giá điện được xem xét điều chỉnh theo biến động các chi phí của các khâu trong chuỗi sản xuất – cung ứng điện và các chi phí chưa được tính vào giá điện.
Trường hợp nếu giá điện tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá hiện hành thì giá điện được điều chỉnh tương ứng; còn giá điện tăng từ 3% trở lên thì được xem xét điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, do giá điện là mặt hàng ảnh hưởng tới người dân và doanh nghiệp nên trường hợp tăng 10% ảnh hưởng kinh tế vĩ mô thì bộ sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.
Đối với việc cắt điện mà người dân phản ánh, Bộ Công Thương cho rằng phải thực hiện theo quy định về điều kiện, trình tự ngừng, giảm cung cấp điện. Nếu đơn vị điện lực cắt điện trái các quy định thì bị xử phạt theo các quy định liên quan.
Về kiến nghị sửa đổi cơ cấu biểu giá, Bộ Công Thương cho hay việc thay đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sẽ tác động lớn tới khách hàng sử dụng điện, khi có nhóm phải trả tiền điện tăng và có nhóm phải trả tiền điện giảm.
Từ năm 2022 bộ đã lấy ý kiến về phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện, trong đó với biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt đã rút gọn từ 6 bậc xuống 5 bậc và hiện đang hoàn thiện để báo cáo Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Đối với việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện, đảm bảo cung ứng điện, bộ cho biết tại quyết định 500 do Thủ tướng phê duyệt về quy hoạch điện 8 đã đa dạng hóa hình thức đầu tư với dự án điện, cũng như tiếp tục đàm phán và thu hút các nguồn tài trợ, thu xếp vốn của các tổ chức để thực hiện chuyển dịch năng lượng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cu-tri-nhieu-tinh-muon-giam-gia-dien-ban-khoan-phai-tra-khoan-lo-cho-nganh-dien-20240903103341188.htm