2 tháng ‘tốc hành’ gỡ khó nhân lực cho ngành bán lẻ

Báo Công thươngBáo Công thương21/02/2025

Chỉ sau hơn 2 tháng từ khi nhận ý kiến từ doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã kết nối doanh nghiệp và cơ sở đào tạo để có được nguồn nhân lực bán lẻ chất lượng.


Nhân lực là 1 trong 3 trụ cột chính của ngành bán lẻ

Chiều ngày 20/2/2025, tại Hà Nội, Công ty TNHH AEON Việt Nam đã tổ chức Lễ ký kết hợp tác với 12 trường đại học, cao đẳng trong và ngoài ngành Công Thương để đào tạo nguồn nhân lực. Đáng chú ý, việc hợp tác này đã được triển khai chỉ sau hơn 2 tháng kể từ khi doanh nghiệp đề xuất tại Diễn đàn Chính sách và Pháp luật Phát triển Thương mại trong nước năm 2024 với chủ đề “Phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại nhanh, bền vững” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 4/12/2024.

2 tháng ‘tốc hành’ gỡ khó nhân lực cho ngành bán lẻ
Ngành bán lẻ có sự tăng trưởng mạnh thời gian qua

Theo đó, ý kiến của nhiều doanh nghiệp tại Diễn đàn cho rằng, phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng hàng, là 1 trong 3 trụ cột đối với doanh nghiệp bán lẻ, song hiện nay, đây cũng chính là một trong những điểm yếu của ngành bán lẻ Việt Nam.

Bà Đoàn Thị Hương Thanh - Giám đốc Pháp chế, Wincommerce cho biết, hiện nay, nhân sự đối với ngành bán lẻ đang rất khó khăn khi hầu hết các trường đào tạo chưa có đào tạo chuyên sâu về bán lẻ. Trong khi đó, tình hình biến động nhân sự ngành bán lẻ rất lớn. Đối với Wincommerce là 100% trong năm 2024, tức là ra vào liên tục.

Đồng ý kiến, bà Trần Kim Nga - Giám đốc Đối ngoại của MM Mega Market Việt Nam cho rằng, nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao đang là thách thức đối với các doanh nghiệp bán lẻ.

Thực tế, nhân lực được cho là một trong 3 trụ cột quan trọng của ngành bán lẻ, cùng với chuyển đổi số và thực hành ESG (trách nhiệm đối với môi trường, xã hội của doanh nghiệp) trong ngành bán lẻ. Nhận thức được điều đó, ngay tại Diễn đàn, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước khẳng định, doanh nghiệp có nhu cầu lớn về nhân lực, và doanh nghiệp cũng chính là chuyên gia, hiểu được chính xác mình cần những gì để phát triển nhân lực cho hệ thống bán lẻ của mình. Do đó, hoạt động đào tạo chuyên sâu cho nhân lực ngành bán lẻ sẽ vẫn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công Thương, các cơ sở đào tạo và cả hệ thống bán lẻ lớn để có thế hệ nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu ngành.

Trước đề nghị của doanh nghiệp, 1 ngày sau Diễn đàn, ngày 5/12/2024, Vụ Tổ chức cán bộ đã phối hợp với Vụ Thị trường trong nước tổ chức buổi Tọa đàm giữa các trường cao đẳng, đại học trực thuộc Bộ Công Thương và Công ty TNHH AEON Việt Nam, Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam... Toạ đàm là cơ hội đối thoại để nắm bắt nhu cầu nguồn nhân lực ngành bán lẻ của các tập đoàn AEON và Mega Market; qua đó, là tiền đề xây dựng chiến lược phát triển ngành bán lẻ theo hướng bền vững, trên cơ sở xây dựng mô hình hợp tác ba bên: Nhà trường – Doanh nghiệp – Cơ quan quản lý nhà nước.

2 tháng ‘tốc hành’ gỡ khó nhân lực cho ngành bán lẻ
Lễ ký kết hợp tác dự án đào tạo nguồn nhân lực bán lẻ chất lượng cao giữa AEON Việt Nam và các trường trong và ngoài ngành Công Thương

Chỉ sau hơn 2 tháng sau đó, ngày 20/2/2025, Lễ ký kết hợp tác dự án đào tạo nguồn nhân lực bán lẻ chất lượng cao giữa AEON Việt Nam và các trường đã diễn ra. Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đã trực tiếp tham dự lễ ký kết và có bài phát biểu, cho thấy sự quan tâm lớn của Bộ Công Thương.

2 tháng ‘tốc hành’ gỡ khó nhân lực cho ngành bán lẻ
Thứ trưởng Phan Thị Thắng tham gia lễ ký kết và trao đổi kỹ với doanh nghiệp về đào tạo nhân lực

Dưới sự kết nối của Bộ Công Thương, Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành bán lẻ giữa AEON Việt Nam và các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài ngành Công Thương sẽ được thực hiện qua ba giai đoạn chính. Giai đoạn đầu tiên vào năm 2025 tập trung vào xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược thông qua việc ký kết biên bản ghi nhớ với 12 trường đại học, cao đẳng, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn triển khai đào tạo thực tế tiếp theo.

Trong giai đoạn 2 (2025-2026), dự án sẽ triển khai các hoạt động đào tạo nhằm cung cấp các kiến thức thực tiễn từ các chuyên gia của AEON Việt Nam. Bên cạnh đó, sinh viên sẽ có cơ hội tiếp cận thông tin và tham gia chương trình thực tập và tuyển dụng tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và các bộ phận vận hành của AEON.

Từ năm 2027, AEON sẽ hướng tới việc phát triển đội ngũ cán bộ nguồn cho ngành Công Thương hàng năm, đồng thời mở rộng nội dung giảng dạy sang các lĩnh vực dịch vụ khác, với sự tham gia của 9 công ty thành viên thuộc Tập đoàn AEON tại Việt Nam.

Bộ Công Thương đồng hành cùng doanh nghiệp

Không chỉ kết nối AEON Việt Nam và các trường trong và ngoài ngành Công Thương mà thực tế, vấn đề nhân sự cho ngành bán lẻ luôn được Bộ Công Thương quan tâm. Trước đó, ngày 3/5/2024, tại TP. Hồ Chí Minh, Tập đoàn Central Retail đã ký kết Biên bản hợp tác với trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại (trực thuộc Bộ Công Thương), nhằm cụ thể hóa nội dung hợp tác giữa Bộ Công Thương và Tập đoàn Central Retail về đào tạo nhân lực ngành bán lẻ.

Bộ Công Thương hiện có hệ thống 31 trường, trong đó có 22 trường cao đẳng, 9 trường đại học; được bố trí từ Bắc đến Nam, với quy mô đào tạo khoảng hơn 200.000 sinh viên/năm và hơn 200 chuyên ngành đào tạo. Việc hợp tác phát triển nguồn nhân lực ngành bán lẻ giữa các trường đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ Công Thương và các doanh nghiệp bán lẻ sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các bên, cho nền kinh tế và cộng đồng trong việc đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao; tăng cường kết nối giữa các trường trực thuộc bộ với doanh nghiệp, gắn giữa chương trình đào tạo, thực hành tại doanh nghiệp và giải quyết việc làm đối với sinh viên; hỗ trợ phát triển các chương trình đào tạo chuyên sâu, các chương trình học bổng cho sinh viên...

2 tháng ‘tốc hành’ gỡ khó nhân lực cho ngành bán lẻ
Doanh nghiệp bán lẻ "khát" nhân lực chất lượng cao (Ảnh: Saigon Coop)

Ngành bán lẻ đang đóng góp khoảng 150 tỷ USD và theo định hướng của Đảng, Nhà nước, doanh số ngành bán lẻ sẽ sớm tăng lên 165 tỷ USD trong thời gian tới, đóng góp đáng kể cho GDP. Bán lẻ cũng là cấu phần quan trọng trong tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng – một trong 3 trụ cột quan trọng của nền kinh tế. Doanh nghiệp bán lẻ giúp tiêu thụ sản phẩm địa phương và tạo ra công ăn việc làm cho người dân khắp đất nước.

Hệ thống bán lẻ đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng mà còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đảng và Nhà nước ta luôn xác định rằng phát triển hệ thống bán lẻ là một nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững.

Trong bối cảnh đó, Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã được ban hành với mục tiêu gắn kết chặt chẽ giữa tốc độ phát triển và tính bền vững theo đúng các chủ trương, đường lối lớn của Đảng được nêu trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Bên cạnh việc lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, việc “tăng tốc” trong kết nối giải quyết vấn đề việc làm cho Bộ Công Thương , là cam kết của Bộ Công Thương trong việc đồng hành với các doanh nghiệp bán lẻ trong mọi lĩnh vực nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tại Việt Nam.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh thực hiện Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm triển khai các giải pháp đồng bộ thúc đẩy tăng trưởng ngành bán lẻ.


Nguồn: https://congthuong.vn/2-thang-toc-hanh-go-kho-nhan-luc-cho-nganh-ban-le-375069.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available