Khả năng sinh lời của thị trường trong nước ngày càng “u ám”. Nhà đầu tư đã quá quen với cảnh thua lỗ cho dù giá vàng có tăng.
Trong tuần này, sau nhiều thăng trầm, giá vàng SJC đóng cửa ở mức gần 67,30 triệu đồng/lượng chiều bán ra, tăng khoảng 100.000 đồng/lượng, tương đương 0,15% so với tuần trước đó. Thế nhưng, người mua vào vàng vẫn lỗ 600.000 đồng/lượng. Nguyên nhân là do giá mua vào và giá bán ra vẫn có mức chênh lệch rất cao.
Cụ thể, đóng cửa tuần này, giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu dừng ở mức: 66,70 triệu đồng/lượng – 67,28 triệu đồng/lượng. Người mua vàng SJC tại Bảo Tín Minh Châu thua lỗ nhẹ sau 1 tuần.
Chốt tuần, giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC, Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận và Tập đoàn Doji được niêm yết ở mức: 66,60 triệu đồng/lượng – 67,30 triệu đồng/lượng; 66,70 triệu đồng/lượng – 67,25 triệu đồng/lượng và 66,55 triệu đồng/lượng – 67,30 triệu đồng/lượng.
Mức chênh giữa giá mua vào và bán ra vàng SJC tại Tập đoàn Doji cao nhất, đạt 800.000 đồng/lượng. Điều đó có nghĩa sau khi nhà đầu tư mua vào, giá vàng phải tăng 800.000 đồng/lượng nhà đầu tư mới hòa vốn.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra với vàng phi SJC dù kim loại quý này có tốc độ tăng trưởng mạnh hơn.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng rồng Thăng Long đóng cửa tuần ở mức: 56,38 triệu đồng/lượng – 57,23 triệu đồng/lượng, tăng 350.000 đồng/lượng (tương đương 0,62%) ở cả 2 chiều mua vào và bán ra.
Như vậy, giá vàng phi SJC có tốc độ tăng mạnh gấp 4,1 lần giá vàng SJC nhưng người mua vào vẫn lỗ nhẹ sau 1 tuần.
Cụ thể, nếu mua vào cuối tuần trước thì tới cuối tuần nếu bán ra, nhà đầu tư đã lỗ 500.000 đồng/lượng do chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra vàng phi SJC rất lớn, đạt 850.000 đồng/lượng.
Do khả năng sinh lời của vàng kém hấp dẫn nên người Việt bớt mặn mà với vàng.
Báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết nhu cầu vàng của Việt Nam trong quý 2/2023 chỉ đạt 12,7 tấn, giảm 9% so cùng kỳ 2022. Nhu cầu tiêu thụ vàng thỏi và xu vàng giảm 5%. Điều tương tự cũng xảy ra với vàng trang sức khi nhu cầu giảm từ 4,5 tấn trong quý 22022 xuống còn 3,7 tấn vào quý trước, tương đương giảm 18%.
Trước đó, tiêu thụ vàng trong quý 1 cũng giảm 12% so cùng kỳ 2022. Với hai quý liên tiếp đi xuống, tổng tiêu thụ vàng của người Việt nửa đầu năm chỉ ở mức 22,9 tấn, giảm gần 32% so với cùng kỳ năm ngoái (33,6 tấn). So với năm trước dịch (2019), sức mua cũng giảm gần 29%.