Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam và dự báo sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới.
Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam hiện đạt 431 tỉ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Ảnh: Anh Tú
Tăng trưởng vượt bậc về giá trị thương hiệu quốc gia
Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) mới đây công bố báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index) với bước tiến bộ rõ nét của Việt Nam trong năm 2023. Trong bảng xếp hạng mới này, vị trí của Việt Nam tăng 2 bậc so với năm 2022 và xếp hạng ở vị trí 46/132 quốc gia, nền kinh tế.
Ở trong bảng xếp hạng này, Việt Nam duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp. Quốc gia thu nhập trung bình thấp xếp trên Việt Nam là Ấn Độ với thứ hạng 40.
Ngoài ra, có 5 quốc gia có thu nhập trung bình cao xếp trên Việt Nam là Trung Quốc (xếp hạng 12), Malaysia (xếp hạng 36), Bulgari (xếp hạng 38), Thổ Nhĩ Kỳ (xếp hạng 39) và Thái Lan (xếp hạng 43). Còn lại, tất cả các quốc gia xếp trên Việt Nam đều là các nước có nền công nghiệp phát triển, thuộc nhóm thu nhập cao.
Phát biểu trước nghị trường Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, với những thành tựu kinh tế – xã hội đạt được trong các tháng năm 2023, nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn báo cáo của Brand Finance, trong đó nêu rõ giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất thế giới giai đoạn 2019 – 2022 (tăng 74%), năm 2022 đạt 431 tỉ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.
Đáng chú ý, theo báo cáo của Brand Finance, sự gia tăng lớn về giá trị thương hiệu của Việt Nam tương quan với việc Việt Nam đang ngày càng được nhận định là một nơi an toàn và ổn định để đầu tư khi mà nhiều nhà sản xuất tìm cách điều chuyển các hoạt động ở châu Á để tới Việt Nam.
Các nghiên cứu mới của Brand Finance không phải là định giá tổng hợp các thương hiệu của Việt Nam mà là định giá thương hiệu của chính quốc gia Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Phân tích về những điểm sáng kinh tế Việt Nam trong các năm gần đây, TS Nguyễn Minh Phong nhìn nhận, không chỉ trở thành điểm sáng khu vực và thế giới về kiểm soát dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo đói, Việt Nam còn ghi nhận nhiều điểm sáng khác trong xếp hạng quốc tế.
Ông Phong dẫn dữ liệu cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín là Moody’s, S&P và Fitch đều duy trì, nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam.
IMF đồng thời nhận định, Việt Nam là một điểm sáng trong “bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu.
“Với đường lối phát triển kinh tế, đường lối ngoại giao sáng suốt, đúng đắn trong một thế giới đầy biến động hiện nay với kết quả đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua đã tạo cơ sở cho niềm tin vào việc kinh tế nước ta sẽ đạt được những mục tiêu của cả giai đoạn 2021-2025 mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra” – TS Nguyễn Minh Phong nhận định.
Động lực từ chính sách điều hành linh hoạt
Khi nói về những kết quả nổi bật của nền kinh tế đất nước trong năm 2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh: Để có sự phục hồi như vậy, rõ ràng chúng ta đã khá lên sau từng tháng, kết quả tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau đạt cao hơn quý trước.
Chúng ta đã ứng phó thành công với những “cơn gió ngược” của năm nay nhờ cách chỉ đạo điều hành linh hoạt, kịp thời của Chính phủ trong bối cảnh kinh tế thế giới, tình hình lạm phát toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế trong nước.
Cùng với dữ liệu tích cực khi vượt qua “cơn gió ngược” về lạm phát, giải ngân đầu tư công với lượng vốn đầu tư công cao nhất từ trước đến nay, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng lưu ý điểm nổi bật trong năm nay khi bối cảnh thế giới nhiều biến động, Việt Nam đạt được nhiều kết quả rất tốt về đối ngoại. Đây là nội dung rất quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng cả năm.
Ông Shantanu Chakraborty – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng ADB tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Khi nói về cách thức Chính phủ Việt Nam ứng phó với những “cơn gió ngược”, ông Shantanu Chakraborty – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam – cho rằng, ADB đánh giá cao những phản ứng chính sách chủ động của Chính phủ, cân bằng ổn định kinh tế vĩ mô với hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy đầu tư công. Các chính sách kinh tế vĩ mô bao gồm các biện pháp tài chính và tiền tệ. Cho đến nay, Chính phủ Việt Nam đã đi đúng hướng và kịp thời.
Tuy nhiên, ông Shantanu Chakraborty cũng cho rằng, còn nhiều điểm Việt Nam có thể cải thiện hơn nữa, đơn cử như đầu tư công còn nhiều dư địa.
Việc thực thi chính sách tài khóa có thể được đẩy mạnh hơn nữa để tăng cường cầu trong nước và kích thích các hoạt động kinh tế.
Việt Nam cũng rất thành công trong chiến lược phát triển kinh tế những năm gần đây nhưng có thể chú trọng hơn nữa vào phát triển kinh tế tư nhân, khu vực đóng vai trò then chốt của nền kinh tế. Những ‘lỗ hổng”, thiếu hụt về hạ tầng hiện nay còn lớn, các khoản ODA còn hạn chế.
Cần khuyến khích hơn nữa khu vực kinh tế tư nhân
Cũng theo ông Shantanu Chakraborty, Việt Nam cần huy động hơn nữa nguồn lực từ khu vực tư nhân cho hạ tầng, nhất là hạ tầng có khả năng chống chịu với sự biến đổi khí hậu. Muốn vậy, Việt Nam cần cải tổ về chính sách để khuyến khích hơn nữa khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Laodong.vn