Diễn biến mới trên chính trường Hàn Quốc, Iran tỏ ý muốn khôi phục quan hệ với Ai Cập… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Vụ nổ tại thành phố Yevpatoria, thuộc bán đảo Crimea rạng sáng ngày 21/9. (Nguồn: Crimean Wind) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
* Crimea hứng chịu đợt tấn công hiếm thấy: Rạng sáng ngày 21/9, bán đảo Crimea đã phải đối mặt với cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) chưa từng có. Tiếng nổ có thể nghe thấy ở thành phố Saki, Novofedorovka, Yevpatoria, Dzhankoy và Sevastopol trong gần một tiếng rưỡi. Theo người dân, đây là lần đầu tiên chứng kiến cường độ và thời gian của đợt tập kích dài như vậy.
Theo trang web quân sự của Nga, hiện chưa rõ số lượng UAV chính xác tham gia vào cuộc tấn công (theo nguồn tin của Ukraine, 40 UAV đã được phóng đi). Trong khi đó Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Rạng sáng 21/9, nỗ lực của chính quyền Kiev nhằm thực hiện một cuộc tấn công khủng bố sử dụng máy bay không người lái nhằm vào các mục tiêu trên đất Nga đã bị ngăn chặn. Phòng không đã tiêu diệt tới 19 UAV của Ukraine”.
Phát biểu về cuộc tấn công này, nguồn tin tình báo Ukraine cho biết: “Các cuộc tấn công của Cơ quan an ninh Ukraine (SBU) và hải quân đã đánh trúng mục tiêu và gây hư hỏng nghiêm trọng đối với thiết bị của những kẻ chiếm đóng”, trong một chiến dịch sử dụng UAV. và tên lửa hành trình Neptune. Vài giờ trước cuộc tấn công, Crimea cũng hứng chịu hỏa lực tên lửa lớn khi có tới 8 tên lửa hành trình Storm Shadow đã bắn vào bán đảo.
Kể từ khi Nga kiểm soát và sáp nhập bán đảo Crimea, Ukraine đã tăng cường các cuộc tấn công ở bán đảo này cũng như khu vực Biển Đen. Kiev cho biết đợt tấn công vào Crimea hồi tuần trước đã làm hư hại 2 tàu tuần tra của Nga và phá hủy một hệ thống phòng không tinh vi. (Reuters/TASS)
* Ukraine loay hoay với UAV Lancet của Nga: Ngày 21/9, nhà báo David Axe nhận định Các Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU) đang gặp khó khi đối phó với UAV “cảm tử” của Nga, vốn có tầm hoạt động lên tới 72 km. Theo ông, điều này được chứng minh qua vụ việc ở căn cứ Dolgintsevo: “Một máy bay không người lái của Nga chứa chất nổ đã tấn công MiG-29 trên đường băng căn cứ không quân Dolgintsevo ở ngoại ô Krivoy Rog”. Ông Axe nhận định cuộc tấn công có thể là màn ra mắt của UAV Lancet mới, “một trong các UAV kamikaze hiệu quả nhất”.
Trước đó, người đứng đầu Lầu Năm Góc Lloyd Austin cho biết Mỹ đang kêu gọi các đối tác cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không trước mùa Đông. Theo ông, các đồng minh nên “xem xét kỹ hơn” vũ khí để trợ Ukraine, vì hiện tại hệ thống phòng không vẫn là khí tài cần thiết nhất đối với quân đội Ukraine. (Forbes)
* Bỉ xem xét cung cấp F-16 cho Ukraine: Ngày 20/9, phát biểu với đài truyền hình VRT (Bỉ) ngày 20/9, Thủ tướng nước này Alexander De Croo nói: “Tôi đã yêu cầu Bộ Quốc phòng đánh giá xem những chiếc máy bay chiến đấu F-16 của chúng ta có thể có tác dụng gì ở Ukraine. Chúng ta cần cân nhắc mọi phương án”.
Hiện Bỉ đang thay thế F-16 bằng các máy bay F-35. Bộ Quốc phòng Bỉ trước đó cho rằng những chiếc F-16 đã quá cũ để Ukraine có thể sử dụng trong chiến đấu. Mặc dù vậy, Thủ tướng De Croo khẳng định các máy bay này vẫn có thể sử dụng được, ví dụ trong công tác huấn luyện phi công. Trước đó, những tháng gần đây, Na Uy, Đan Mạch và Hà Lan cho biết họ sẽ cung cấp máy bay F-16 cho Ukraine nếu lực lượng không quân của nước này sẵn sàng sử dụng chúng. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
UAV ồ ạt tấn công Crimea với cường độ chưa từng thấy, tiếng nổ vang trên khắp bán đảo |
Đông Nam Á
* Singapore phá đường dây rửa tiền lớn: Ngày 20/9, truyền thông Singapore đưa tin cảnh sát nước này đã thu giữ hoặc phong tỏa số tài sản trị giá hơn 1,76 tỷ USD trong một vụ rửa tiền quy mô lớn.
Trước đó, trong chiến dịch truy quét đường dây bị tình nghi tham gia hoạt động rửa tiền quốc tế hồi tháng 8, nhà chức trách đã tịch thu khối tài sản trị giá 750 triệu USD gồm nhiều tài khoản ngân hàng, tiền mặt, giấy tờ có chứa thông tin về tài sản ảo, bất động sản, xe cộ và các mặt hàng xa xỉ như túi xách, đồng hồ. Cảnh sát cũng đã bắt giữ 10 công dân nước ngoài, thành viên của một nhóm bị tình nghi rửa tiền thu được từ hoạt động phạm tội như lừa đảo và cờ bạc trực tuyến.
Cảnh sát Singapore xác nhận đã tiến hành thêm các chiến dịch truy quét và thu giữ thêm nhiều tài sản, nâng tổng giá trị tài sản bị tịch thu lên tới 2,4 tỷ SGD (1,76 tỷ USD). Con số này bao gồm tài khoản ngân hàng hơn 828 triệu USD, hơn 55,8 triệu USD tiền mặt và hiện vật gồm 68 thỏi vàng, 294 túi xách hàng hiệu và 164 đồng hồ xa xỉ, đồ trang sức và thiết bị điện tử. Đáng chú ý, có hơn 110 bất động sản và 62 chiếc xe với tổng giá trị ước tính khoảng 1,24 tỷ SGD (900 triệu USD) đang bị “đóng băng”, đồng nghĩa với việc không thể bán số tài sản này. Đây là một trong những vụ rửa tiền có quy mô lớn nhất được phát hiện tại Singapore.
Singapore là một trong các trung tâm tài chính toàn cầu có luật chống rửa tiền hết sức nghiêm ngặt. Mức phạt cho vi phạm này có thể lên đến 10 năm tù. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Singapore: Cực đoan hóa trực tuyến làm tăng nguy cơ đe dọa khủng bố |
Đông Bắc Á
* Diễn biến phức tạp trên chính trường Hàn Quốc: Ngày 21/9, Quốc hội Hàn Quốc do phe đối lập kiểm soát đã thông qua kiến nghị kêu gọi bãi nhiệm Thủ tướng Han Duck Soo, với cáo buộc về “năng lực” trong vai trò người đứng đầu Nội các. Bản kiến nghị được thông qua với 175 phiếu thuận và 116 phiếu chống.
DP tuyên bố rằng ông Han phải chịu trách nhiệm về cái họ gọi là “thất bại trong chính sách của chính quyền” đương nhiệm”, bao gồm cả phản ứng đối với việc Nhật Bản xả nước nhiễm xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima và việc “quản lý yếu kém” tại sự kiện Đại hội Hướng đạo sinh thế giới 2023 vào tháng trước.
Ở thời điểm hiện tại, nhiều khả năng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol sẽ bác bỏ kiến nghị này. Đây là lần đầu tiên kiến nghị bãi nhiệm thủ tướng được Quốc hội Hàn Quốc thông qua.
Cùng ngày, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua kiến nghị bắt giữ ông Lee Jae Myung, lãnh đạo đảng Dân chủ (DP) đối lập chính. Theo đó, cơ quan này nhất trí dỡ bỏ quyền miễn trừ bị bắt giữ do cáo buộc vi phạm lòng tin, hối lộ, tham nhũng liên quan đến các dự án xây dựng và chuyển tiền bất hợp pháp sang Triều Tiên.
Hiện ông Lee Jae Myung đang tuyệt thực (từ ngày 31/8) để phản đối các chính sách của chính phủ. Trước đó, ông đã kêu gọi các nghị sỹ bác kiến nghị bắt giữ mình mặc dù hồi tháng 6, ông cam kết tự nguyện từ bỏ quyền miễn trừ bị bắt giữ.
Đây là lần thứ hai, Quốc hội Hàn Quốc tiến hành bỏ phiếu bắt giữ ông Lee. Trước đó hồi tháng 2, ông đã may mắn thoát khỏi nguy cơ bị bắt giữ với số phiếu sít sao. Theo luật pháp Hàn Quốc, các nhà lập pháp đương nhiệm được quyền miễn trừ bị bắt giữ khi Quốc hội nước này đang họp. Tuy nhiên, đặc quyền này bị chỉ trích vì có thể bị lạm dụng để bảo vệ các chính trị gia tham nhũng. (Yonhap)
TIN LIÊN QUAN | |
Nga bác bỏ ‘đồn đoán’ của Mỹ-Hàn về thỏa thuận quân sự với Triều Tiên |
Trung Á
* Azerbaijan đánh giá cuộc hội đàm đầu tiên về Nagorno-Karabakh: Ngày 21/9, Văn phòng Tổng thống Azerbaijan đánh giá phái đoàn của nước này đã thực hiện cuộc đàm phán “mang tính xây dựng và tích cực” với chính quyền sắc tộc Armenia của khu vực Nagorno-Karabakh. Baku cũng khẳng định hai bên đã nhất trí sẽ sớm gặp lại nhau. Phía Baku cũng sẽ cung cấp viện trợ nhân đạo và lương thực cho khu vực tranh chấp này.
Cùng ngày, đại diện của Tổng thống Ilham Aliyev tuyên bố Azerbaijan đã trao cho phía Armenia bản dự thảo thỏa thuận hòa bình giữa hai nước láng giềng này. Hiện Baku đang đợi phản ứng từ chính quyền Yerevan. Trước đó, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố đất nước cần đẩy lùi xung đột vì mục tiêu độc lập.
Trong khi đó, TASS (Nga) dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay các bên chưa đưa ra quyết định cụ thể về dỡ bỏ phong tỏa các hành lang giao thông tới Nargono-Karabakh. Chính quyền sắc tộc Amernia ở khu vực tranh chấp muốn có bảo đảm an ninh trước khi từ bỏ vũ khí. (AFP/Reuters/TTXVN)
* Armenia cáo buộc lực lượng Azerbaijan pháo kích sau ngừng bắn: Armenia cáo buộc lực lượng Azerbaijan nổ súng vào các vị trí của quân đội ở biên giới vào đêm 20/9, ít lâu sau khi lệnh ngừng bắn ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh có hiệu lực. Tuy nhiên, phía Azerbaijan ngay lập tức bác bỏ cáo buộc này.
Cụ thể, Bộ Quốc phòng Armenia cho biết binh sĩ của họ đã bị tấn công bằng vũ khí hạng nhẹ gần thị trấn Sotk ở biên giới hai nước, cách Karabakh, nơi được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan, khoảng 140 km. Các cuộc đấu súng như vậy xảy ra thường xuyên ở biên giới hai nước thời gian qua. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Nargony-Karabakh lại đỏ lửa |
Châu Âu
* Ba Lan triệu Đại sứ Ukraine về bình luận của ông Zelensky: Ngày 20/9, hãng thông tấn PAP (Ba Lan) dẫn “thông tin không chính thức” cho biết Bộ Ngoại giao nước này đã triệu Đại sứ Ukraine về bình luận của Tổng thống Volodymyr Zelensky. Theo đó, trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 19/9, nhà lãnh đạo Ukraine cho biết Kiev đang “rất nỗ lực để bảo toàn các tuyến đường bộ phục vụ hoạt động xuất khẩu ngũ cốc”, đồng thời lưu ý rằng “sân khấu chính trị” xung quanh việc nhập khẩu ngũ cốc chỉ giúp ích cho Nga. (Reuters)
* Đức tổ chức hội nghị về tái thiết Ukraine: Ngày 20/9, phát biểu sau cuộc gặp 30 phút với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bên lề phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo sẽ tổ chức hội nghị quốc tế về tái thiết Ukraine ngày 11/6 năm sau. Ông cũng cho biết tình hình chính trị, quân sự và nhân đạo ở Ukraine là trung tâm của các cuộc thảo luận. Thủ tướng Đức cũng tái khẳng định Berlin sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev.
Trước đó, hồi tháng 6, Anh đã từng tổ chức một hội nghị tương tự, quy tụ lãnh đạo và đại diện hơn 60 quốc gia và tổ chức tài chính để viện trợ tài chính cho Ukraine tái thiết đất nước sau xung đột với Nga. Mục đích của hội nghị là giúp chính quyền Kiev duy trì nền kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng về lâu dài. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Tổng thống Ukraine mang thông điệp gì đến Canada? |
Trung Đông-Châu Phi
* Tín hiệu mới từ quan hệ Iran-Ai Cập: Ngày 20/9, phát biểu với phóng viên khi kết thúc sự tham dự tại Khóa họp 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nêu rõ: “Iran không thấy có trở ngại nào trong việc thiết lập các mối quan hệ với Ai Cập. Điều này cũng đã được thông báo với phía Ai Cập”.
Trang web chính thức của Văn phòng Tổng thống Iran dẫn lời ông Raisi nhận định cuộc họp giữa các Ngoại trưởng hai nước có thể là chương mở đầu để khôi phục các mối quan hệ song phương. Ông nhấn mạnh: “Để tăng cường quan hệ với láng giềng, các nước Hồi giáo và các nước liên quan, nước Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ chìa tay với bất kỳ quốc gia nào muốn hợp tác”.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry đã tiếp người đồng cấp Iran Hossein Amir Abdollahian tại trụ sở của Phái đoàn thường trực Ai Cập tại Liên hợp quốc ở New York. Tại cuộc gặp, ông Amir Abdollahian cho rằng việc tăng cường các mối quan hệ sẽ phục vụ lợi ích chung. Về phần mình, ông Shoukry nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác với tất cả các quốc gia trong khu vực để đương đầu với những bất ổn đang diễn ra.
Quan hệ giữa Ai Cập và Iran nhìn chung gặp nhiều khó khăn, dù hai bên vẫn duy trì liên lạc ngoại giao. Thời gian qua, một số quốc gia Trung Đông, trong đó có Ai Cập, đã có một số động thái nhằm giảm căng thẳng trong khu vực. Đầu năm 2023, Saudi Arabia và Iran đã khôi phục quan hệ ngoại giao. Về phần mình, Ai Cập đã hàn gắn rạn nứt với Qatar và tái lập quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. (TTXVN)