DC1, công ty con của DIC Corp (DIG) bị truy thu thuế hơn 500 triệu đồng
Vừa qua, Cục thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành quyết định truy thu thuế đối với CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng Số 1 (Mã UPCoM: DC1) do có một số vi phạm liên quan đến việc kê khai thuế Giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thu nhập cá nhân (TNCN).
Theo Cục thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thì DC1 đã khai thiếu số thuế phải nộp đối với cả 3 loại thuế trên theo biên bản kiểm tra thuế tại các năm từ 2015-2017. Tuy nhiên, các vi phạm này không bị xử phạt hành chính do đã quá thời hạn xử phạt.
Thay vào đó, DC1 bị truy thu và phải nộp số tiền chậm nộp thuế. Cụ thể thì DC1 phải nộp bù số tiền thuế GTGT, TNDN và TNCN còn thiếu là 273,7 triệu đồng. Tiền chậm nộp thuế là 250,36 triệu đồng. Như vậy tổng số tiền mà DC1 phải nộp là hơn 524 triệu đồng.
CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng Số 1 vốn là một công ty con của DIC Corp. Theo ghi nhận trên BCTC năm 2022, DIC Corp đang nắm tỷ lệ sở hữu là 51,67% tại DC1, tương ứng lượng sở hữu 2,12 triệu cổ phiếu.
Doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm do chưa tối ưu được chi phí
Theo báo cáo tài chính năm 2022, DC1 ghi nhận doanh thu thuần đạt 256,9 tỷ đồng, cao gấp 1,68 lần so với năm 2021. Trong đó giá vốn chiếm tỷ trọng vô cùng cao, lên tới 243,5 tỷ đồng.
Giá vốn cao đã khiến lợi nhuận gộp của công ty chỉ còn lại 13,4 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp giảm từ 9,1% xuống chỉ còn 5,2%. Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ gần như không có, chỉ hơn 5 triệu đồng.
Trong khi đó, các loại chi phí phải bỏ ra hầu hết đều gia tăng bao gồm: chi phí tài chính tăng gấp đôi từ 1,7 tỷ đồng lên 3,5 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 7,8 tỷ đồng lên 8,3 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 6,4%.
Tổng lợi nhuận sau thuế mà DC1 mang về sau khi trừ đi các loại chỉ phí chỉ còn 2,4 tỷ đồng, giảm tới hơn 1 nửa so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, có thể thấy rằng bất chấp doanh thu tăng trưởng, chi phí giá vốn quá cao cùng các loại chi phí phát sinh trong kỳ đã gây áp lực kéo lùi kết quả kinh doanh của DC1 trong năm 2022.
Tài sản phần lớn là nợ, lưu chuyển dòng tiền âm sâu 35,4 tỷ đồng
Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của DC1 ghi nhận ở mức 189,2 tỷ đồng, tăng hơn 35 tỷ so với thời điểm đầu năm. Điều đáng hú ý đó là phần lớn tài sản đều nằm dưới dạng tài sản ngắn hạn và có tính linh động không cao.
Cụ thể thì tiền và các khoản tương đương tiền chỉ còn 61 triệu đồng, trong khi đầu năm vẫn còn đang ghi nhận 2,5 tỷ đồng. Ngoài ra, DC1 không còn ghi nhận thêm khoản tiền gửi nào trong ngân hàng. Điều này cho thấy rằng công ty đang thiếu hụt tiền mặt một cách trầm trọng.
Thêm vào đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng rất mạnh, đặc biệt là phải thu ngắn hạn của khách hàng chiếm tới 100,7 tỷ đồng trong khi đầu năm mới chỉ có 50,6 tỷ đồng. Lượng phải thu này tương đương với tỷ trọng 53,2% tổng tài sản. Điều này đồng nghĩa với việc có tới hơn một nửa tài sản của DC1 đang nằm trên giấy chứ chưa thực sự thu được tiền từ khách hàng.
Ngoài ra, công ty vẫn còn đang phải ghi nhận thêm dự phòng rủi ro phải thu khó đòi lên tới 2,6 tỷ đồng. Hàng tồn kho của công ty cũng đang ghi nhận 65,7 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn thì vay ngắn hạn của DC1 trong năm 2022 có xu hướng gia tăng từ 54,5 tỷ đồng lên 93,1 tỷ đồng. Tương ứng với lượng gia tăng lên tới 70,8%. Số nợ ngắn hạn này thậm chí còn cao vượt 1,8 lần so với vốn chủ sở hữu hiện tại của DC1.
Vay nợ gia tăng trong kỳ nên cũng không quá khó hiểu khi mà lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động kinh doanh của DC1 cũng ghi nhận âm tới 35,4 tỷ đồng, cho thấy công ty đang thiếu hụt một lượng tiền lớn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này hoàn toàn phù hợp với ghi nhận về lượng tiền mặt còn lại chỉ hơn 61 triệu đồng mà chúng tôi đã nêu trên.