Công tố viên đặc biệt Jack Smith đã từ chức khỏi vị trí trong Bộ Tư pháp Mỹ sau khi nộp báo cáo điều tra về Tổng thống đắc cử Donald Trump, theo AP.
Bộ Tư pháp Mỹ đã tiết lộ sự ra đi của công tố viên đặc biệt Smith trong hồ sơ tòa án ngày 11.1, thông báo ông Smith đã từ chức hôm 10.1. Việc ông Smith từ chức diễn ra sau khi hai vụ truy tố hình sự ông Trump đã bị hủy bỏ khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024.
Việc ông Smith từ chức khỏi Bộ Tư pháp Mỹ đã được dự đoán trước. Ông Trump, người thường gọi ông Smith là “người mất trí”, đã nói rằng ông sẽ sa thải ông Smith ngay sau khi nhậm chức vào ngày 20.1, và đã ám chỉ rằng ông có thể sẽ trả thù ông Smith và những người khác đã điều tra ông sau khi ông trở lại Nhà Trắng, theo Reuters.
Vấn đề hiện nay là số phận của một báo cáo gồm hai tập mà ông Smith và nhóm của ông đã chuẩn bị cho các cuộc điều tra song song của họ về nỗ lực của ông Trump nhằm lật ngược kết quả bầu cử năm 2020 và việc ông lưu giữ các tài liệu mật tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông ở bang Florida sau khi rời Nhà Trắng vào tháng 1.2021, theo AP.
Bộ Tư pháp Mỹ dự kiến sẽ công khai tài liệu nói trên trong những ngày cuối cùng của chính quyền Tổng thống Joe Biden, nhưng vị thẩm phán do ông Trump chỉ định, người chủ trì vụ án tài liệu mật, đã chấp thuận yêu cầu của bên bào chữa là ít nhất là tạm thời dừng công bố tài liệu này.
Hai bị cáo đồng phạm của ông Trump trong vụ án tài liệu mật, gồm trợ lý của ông là Walt Nauta và ông Carlos De Oliveira, quản lý khu Mar-a-Lago, cho rằng việc công bố báo cáo mang tính định kiến không công bằng.
Bộ Tư pháp Mỹ đã đáp lại rằng bộ sẽ không công khai tập tài liệu mật miễn là các thủ tục tố tụng hình sự đối với hai ông Nauta và De Oliveira vẫn đang chờ xử lý. Dù thẩm phán liên bang Aileen Cannon đã bác bỏ vụ án vào tháng 7.2024, nhưng đơn kháng cáo từ nhóm của ông Smith về quyết định đó liên quan hai ông Nauta và De Oliveira vẫn đang chờ xử lý.
Tuy nhiên, các công tố viên cho hay họ có ý định tiến hành công bố tập tài liệu can thiệp bầu cử.
Trong một động thái khẩn cấp vào cuối ngày 10.1, các công tố viên đã yêu cầu Tòa Phúc thẩm liên bang Mỹ số 11 có trụ sở tại thành phố Atlanta thuộc bang Georgia nhanh chóng dỡ bỏ lệnh cấm của thẩm phán Cannon mà đã cấm họ công bố bất kỳ phần nào của báo cáo. Hôm 11.1, các công tố viên đã nói riêng với thẩm phán Cannon rằng bà không có thẩm quyền để ngăn chặn việc công bố báo cáo, nhưng bà đã trả lời bằng một lệnh chỉ đạo các công tố viên nộp thêm một bản tóm tắt trước ngày 12.1 (giờ Mỹ).
Tòa phúc thẩm tối 9.1 đã bác bỏ nỗ lực khẩn cấp nhằm ngăn chặn việc công bố báo cáo can thiệp bầu cử, trong đó đề cập những nỗ lực của ông Trump trước cuộc bạo loạn ở Điện Capitol vào ngày 6.1.2021, nhằm hủy bỏ kết quả của cuộc bầu cử năm 2020. Tuy nhiên, tòa vẫn giữ nguyên lệnh của thẩm phán Cannon, theo đó không được công bố bất kỳ phát hiện nào cho đến 3 ngày sau khi tòa phúc thẩm giải quyết vấn đề.
Bộ Tư pháp Mỹ đã nhấn mạnh với tòa phúc thẩm trong động thái khẩn cấp của mình rằng lệnh của thẩm phán Cannon “rõ ràng là sai lầm”.
“Tổng chưởng lý là người đứng đầu Bộ Tư pháp được Thượng viện xác nhận và được trao quyền giám sát tất cả các viên chức và nhân viên của bộ. Do đó, tổng chưởng lý có thẩm quyền quyết định có công bố báo cáo điều tra do cấp dưới của mình lập hay không”, Bộ Tư pháp Mỹ nhấn mạnh.
Các quy định của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu công tố viên đặc biệt phải lập báo cáo khi kết thúc công việc của họ và theo thông lệ, các tài liệu như thế sẽ được công khai bất kể chủ đề là gì, theo AP.
Nguồn: https://thanhnien.vn/cong-to-vien-dac-biet-tu-chuc-sau-khi-nop-bao-cao-dieu-tra-ve-ong-trump-185250112065719073.htm