Ngày 29/1, UBND huyện Kon Plông (Kon Tum) cho biết, đơn vị đã có văn bản yêu cầu Phòng GD&ĐT tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh các trường trong công tác dạy và học. Đồng thời, UBND huyện cũng yêu cầu khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ nội dung báo phản ánh ở Trường Tiểu học Pờ Ê (xã Pờ Ê). Qua đó, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan (nếu có).
Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Kon Plông, Phòng GD&ĐT đã nhanh chóng kiểm tra, xác minh thông tin. Theo Phòng GD&ĐT, nguyên nhân khiến các em học sinh lớp 4,5 đọc, viết, tính toán chậm là do các em đi học không chuyên cần hay vắng. Chính vì vậy công tác giảng dạy cũng như phụ đạo để nâng cao chất lượng đối với những học sinh này gặp khó khăn, chưa mang lại hiệu quả.
Bên cạnh đó, kinh tế gia đình còn khó khăn khiến cha mẹ học sinh chưa quan tâm đến việc học tập của con em và còn tư tưởng giao phó hoàn toàn cho nhà trường. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên Trường Tiểu học Pờ Ê trong những năm gần đây thường xuyên có biến động do chuyển công tác, số lượng giáo viên hợp đồng nhiều, không ổn định điều này ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của đơn vị.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Minh Cường – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Kon Plông cho biết, đơn vị thường xuyên kiểm tra năng lực của các em học sinh, qua đó chỉ đạo các trường phân luồng để bồi dưỡng thêm. Tuy nhiên, đối với Trường Tiểu học Pờ Ê, công tác phân luồng học sinh chưa được tốt, các em bị hổng kiến thức từ lớp dưới. Ngoài ra, huyện Kon Plông cũng gặp khó trong công tác tuyển dụng, hiện các cấp còn thiếu đến 53 giáo viên. Nhiều trường các giáo viên đa số là hợp đồng nên công tác dạy, học cũng còn nhiều bất cập.
Nhằm cải thiện thực trạng trên, Phòng GD&ĐT huyện Kon Plông đã chỉ đạo Trường Tiểu học Pờ Ê đẩy mạnh phân luồng đối tượng trong lớp học để tổ chức dạy học phân hóa theo nhóm đối tượng trong từng tiết học. Đồng thời phân luồng, chỉ đạo trực tiếp các giáo viên trong công tác dạy học trên lớp cũng như trong giáo án.
“Song song với đó, các giáo viên cũng cần phải tích cực, nỗ lực trong việc củng cố kiến thức cho các em học sinh yếu. Ban giám hiệu nhà trường cần phân rõ ràng các em học sinh cho Hiệu trưởng và Hiệu phó để xây dựng phương án kèm cho các em; tăng cường dạy 2 buổi/ngày và phân luồng đưa các em yếu này ra buổi chiều…Khi đã cố gắng thực hiện tốt, tuy nhiên các em vẫn không đạt sẽ phải xem xét, đánh giá lại năng lực của các em tránh trường hợp “bệnh thành tích””, ông Cường nhấn mạnh.
Ông Phạm Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: “Để xảy ra tình trạng các em học sinh lớp 4, 5 còn đọc chậm, viết chậm, trách nhiệm chính thuộc ban giám hiệu nhà trường. Đối với vấn đề này, huyện đã chỉ đạo tiếp tục tăng cường nâng cao chất lượng dạy học, cụ thể sẽ kiểm tra số lượng giáo viên, phân công tiết dạy như thế nào để có giải pháp cụ thể… Đặc biệt cần tăng cường chuẩn bị Tiếng việt cho trẻ mầm non, tổ chức các hoạt động giáo dục để tăng cường Tiếng việt cho trẻ trước khi bước vào lớp 1”.
Cũng theo ông Thắng, quan trọng nhất trong việc nâng cao chất lượng dạy và học còn nằm ở trách nhiệm của người đứng lớp. Tại sao có những lớp các em đọc rất là thông thạo nhưng ngược lại có nhiều lớp chất lượng đọc rất thấp. Vì vậy cần phải rà soát lại đối với các giáo viên đứng lớp là hợp đồng, nếu chất lượng không tốt sẽ tính toán cắt hợp đồng, còn các giáo viên biên chế rồi cần phải tập trung, nâng cao chất lượng dạy, học.
Như Báo Nhà báo và Công luận đã thông tin, hàng chục em học sinh lớp 4, lớp 5 Trường Tiểu học Pờ Ê, huyện Kon Plông (Kon Tum) còn đọc, viết chậm thậm chí một số em phải đánh vần, đọc sai chữ cái. Nguyên nhân do các em vắng học nhiều, không theo kịp kiến thức, ngoài ra phần lớn giáo viên là hợp đồng nên thường xuyên phải luân chuyển…
Bài và ảnh: Trần Hiền