Kinhtedothi – Chiều 27/12, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dân vận, Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 và Chỉ thị số 36-CT/TU ngày 28/11/2024 của Thành ủy.
Dự hội nghị, về phía đại biểu T.Ư có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận T.Ư Phạm Tất Thắng.
Đại biểu TP Hà Nội có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong; cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương; Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản; Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà.
Toàn thành phố đăng ký triển khai 24.254 mô hình dân vận khéo
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Vũ Hà cho biết, năm 2024, Thành ủy Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội từ TP đến cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của T.Ư, Thành ủy về công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Tăng cường, đổi mới công tác dân vận của Đảng theo hướng sâu sát cơ sở, tăng cường đối thoại, vận động, thuyết phục, hạn chế các biện pháp hành chính trong giải quyết các vụ việc phát sinh trong Nhân dân. Hoạt động của hệ thống dân vận TP cơ bản đồng bộ, hiệu quả. Nhìn chung, uy tín, vị thế, vai trò của công tác dân vận và cán bộ dân vận tiếp tục được nâng lên.
Cùng với đó, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở được triển khai nghiêm túc, bài bản. Việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở được chỉ đạo quyết liệt góp phần nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, góp phần đấu tranh chống suy thoái về đạo đức, lối sống; phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tạo sự gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân. Công tác dân vận của các lực lượng vũ trang Thủ đô được tăng cường.
Công tác dân vận chính quyền đạt được nhiều kết quả quan trọng; việc tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, các kiến nghị, đề nghị chính đáng, hợp pháp của Nhân dân, các vấn đề dân sinh bức xúc, các vấn đề báo chí và dư luận quan tâm, phản ánh được quan tâm thực hiện. Kỷ cương, kỷ luật hành chính, nhận thức của cán bộ, công chức về trách nhiệm phục vụ Nhân dân, tôn trọng Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân có chuyển biến tích cực. Công tác tôn giáo, dân tộc được chú trọng và thực hiện hiệu quả. Tình hình tôn giáo ổn định, không để xảy ra “điểm nóng” trên địa bàn TP. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục được triển khai sâu rộng, gắn với các nhiệm vụ chính trị của TP và các địa phương, đơn vị.
Ban Dân vận Thành ủy, ban dân vận các quận, huyện, thị ủy thường xuyên theo dõi nắm tình hình, tham mưu với cấp ủy về lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp thưc hiện tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện các dự án trọng điểm của TP như: Dự án đường Vành Đai 4 – Vùng Thủ đô, Dự án đường Vành đai 1 (Hà Nội)…
Đáng chú ý, Ban Dân vận Thành ủy đã tổ chức thành công Hội thi “Dân vận khéo” cấp TP năm 2024 và các hoạt động kỷ niệm 94 năm Ngày Truyền thống công tác Dân vận của Đảng. Xét công nhận và tổ chức gắn biển hàng trăm công trình “Dân vận khéo”, trong đó, Ban Dân vận Thành ủy đã công nhận, tổ chức gắn biển 16 công trình.
Năm 2024, tổng số mô hình “Dân vận khéo” từ cấp cơ sở đến cấp TP được đăng ký triển khai 24.254 mô hình (gấp 1,8 lần so với năm 2023). Trong đó, cấp TP 750 mô hình (500 mô hình tập thể, 250 mô hình cá nhân). Cấp cơ sở 17.872 mô hình (7.216 mô hình tập thể, 10.656 mô hình cá nhân).
Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ MTTQ, các đoàn thể chính trị – xã hội, các hội quần chúng được củng cố, kiện toàn, hoạt động ngày càng nền nếp và đi vào chiều sâu; phát huy vai trò của hơn 5.000 tổ dân vận ở thôn, tổ dân phố trong việc tuyên truyền, vận động; nắm tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, tăng cường tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận T.Ư Phạm Tất Thắng nhấn mạnh, năm 2024, công tác dân vận của Đảng bộ TP Hà Nội tiếp tục là một “điểm sáng nổi bật” trong công tác dân vận của cả nước.
Để có được kết quả đó, ngoài việc Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội đã chủ động, năng động, tích cực tham mưu, đề xuất với Thường trực Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận theo hướng cụ thể; đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện công tác dân vận theo hướng thiết thực, hiệu quả.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận T.Ư đề nghị Thành ủy, các cấp ủy Đảng của TP Hà Nội tiếp tục triển khai công tác dân vận trong thực hiện tư tưởng chỉ đạo và một số định hướng lớn của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác dân vận của hệ thống chính trị theo hướng thiết thực, gắn bó mật thiết với cuộc sống Nhân dân. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo” của hệ thống chính trị, qua đó, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giải quyết những việc mới, việc khó phát sinh từ thực tiễn…
Tập trung làm tốt hơn nữa công tác dân vận trong GPMB
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, năm 2024, vượt qua những khó khăn, thách thức và tác động tiêu cực của tình hình kinh tế, chính trị, xung đột trên thế thới cũng như tình hình thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, đặc biệt là siêu bão số 3 (Yagi), TP vẫn nỗ lực cố gắng đạt được nhiều kết quả toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội.
Theo đó, TP đạt và vượt 23/24 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Kinh tế Thủ đô duy trì tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, dự kiến đạt khoảng 6,52% (cùng kỳ năm 2023 đạt 6,27%); quy mô GRDP khoảng 58 tỷ USD. Thu ngân sách Nhà nước của TP lần đầu tiên vượt mốc 500.000 tỷ đồng. Các mặt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị TP tiếp tục được duy trì nề nếp. Việc chăm lo cho đời sống cho Nhân dân đạt kết quả tích cực và nhiều địa phương không chỉ không còn hộ nghèo mà không còn cả hộ cận nghèo. Người dân được đặt vào trung tâm và là chủ thể của mọi chủ trương, chính sách…
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ đánh giá, để có được những kết quả đó, TP đã nỗ lực bằng nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng cường chuyển đổi số…, bên cạnh đó còn có sự nỗ lực của hệ thống chính trị TP và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận đã vào cuộc để Nhân dân tham gia cùng TP một cách trách nhiệm, tự nguyện thông qua công tác dân vận và các công tác khác…
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong yêu cầu, các cấp uỷ Đảng, hệ thống chính trị TP tập trung thực hiện có hiệu quả, sớm ổn định tình hình việc hợp nhất giữa Ban Dân vân và Ban Tuyên giáo từ TP đến các quận, huyện và không gây xáo trộn sau sắp xếp. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để đội ngũ cán bộ, đảng viên ở những nơi thực hiện sáp nhập hoặc kết thúc hoạt động thông suốt về tư tưởng, thống nhất về quan điểm vì cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy; tuyên truyền, vận động trong xã hội đồng thuận với chủ trương này của T.Ư.
Bên cạnh đó, bám sát thực tiễn, cơ sở để lắng nghe, tranh thủ ý kiến đóng góp của các tầng lớp Nhân dân trong việc góp ý xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng các cấp, để các mong muốn, nguyện vọng, ý trí, quyết tâm của Nhân dân được thể hiện trong Văn kiện chứ không phải của một mình tổ chức Đảng.
Nhấn mạnh năm 2025, TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ nút thắt để đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, trong đó có thúc đẩy các dự án chậm triển khai, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết, để thực hiện được thì công tác GPMB hết sức nặng nề, trong đó có vai trò lớn của công tác dân vận, tuyên truyền, để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Từ đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các quận, huyện và cơ quan của TP tập trung làm tốt hơn nữa công tác dân vận trong GPMB; phát huy, lan toả các mô hình “dân vận khéo”. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt quy chế dân chủ ở sở và Luật thực hiện dân chủ cơ sở để vừa đảm bảo dự án được triển khai đúng quy định của pháp luật, đẩy nhanh tiến độ nhưng cũng đảm bảo công khai, minh bạch và quyền lợi chính đáng của người dân.
Đề cập đến vấn đề Ban Bí thư T.Ư Đảng đã ban hành Đề án về chuyển đổi số trong Đảng, hệ thống chính trị và Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, các cấp, ngành trong toàn TP phải xác định chuyển đổi số trong mọi hoạt động của mình là một nhiệm vụ trọng tâm, trong đó hệ thống các cơ quan Đảng của TP gương mẫu trong thực hiện vấn đề này.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Văn Phong, để đạt được kết quả công tác dân vận của Thủ đô trong thời gian qua có sự chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ rất quan trọng của Ban Dân vận T.Ư. Thay mặt cho lãnh đạo TP, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ trân trọng cảm ơn sự chỉ đạo, hỗ trợ của Ban Dân vận T.Ư, đồng thời mong muốn thời gian tới Ban Dân vận T.Ư và Ban Tuyên giáo T.Ư sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, động viên Hà Nội. “Thành phố Hà Nội cũng sẵn sàng nghiên cứu, thí điểm mô hình mới, cách làm mới trong công tác dân vận của Đảng” – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nói.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/cong-tac-dan-van-gop-phan-giai-quyet-viec-moi-viec-kho-phat-sinh-tu-thuc-tien.html