Sức bật của Công Phượng
Bàn thắng vào lưới đội trẻ TP.HCM ở vòng loại Cúp quốc gia 2024 – 2025 (trong trận đấu diễn ra chiều qua 19.10) là món quà “chào sân” Nguyễn Công Phượng dành cho khán giả Bình Phước. Dù đây chỉ là bàn thắng trước đại diện hạng nhất ở sân chơi cúp, nhưng với cá nhân Công Phượng, khoảnh khắc lập công vẫn rất quan trọng.
Gần 2 năm sau ngày chia tay Việt Nam để sang Nhật Bản thi đấu, Công Phượng mới tìm lại cảm giác ghi bàn trong màu áo CLB.
Sau khi đạt thỏa thuận kết thúc hợp đồng với Yokohama FC, việc trở lại hạng nhất bị đánh giá là bước lùi về mặt môi trường thi đấu của Công Phượng. Tiền đạo 29 tuổi rời J-League 2 để chơi ở giải đấu còn kém V-League một bậc về đẳng cấp. Song, có lẽ chỉ Công Phượng mới hiểu, bước đi tới Bình Phước có ý nghĩa ra sao khi chỉ 2, 3 năm nữa thôi, cầu thủ này sẽ bước sang ngưỡng xế chiều sự nghiệp.
Với chân sút của Bình Phước hiện tại, được thi đấu mới là điều quan trọng nhất. Ngay khi trở lại Việt Nam, Công Phượng đã được ban huấn luyện chú trọng rèn thể lực. Các bài tập không bóng để tân binh 29 tuổi lấy lại sức rướn, nhịp chạy là ưu tiên hàng đầu của ban huấn luyện với nhiều chuyên gia Nhật Bản.
Trong trận gặp trẻ TP.HCM chiều 19.10, Công Phượng đã chơi năng nổ và xông xáo, chăm chỉ di chuyển để phối hợp, có nhiều tình huống rê dắt tạo đột biến. Dù Công Phượng cần thời gian để lấy lại hình ảnh ấn tượng như giai đoạn 2020 – 2021 khi còn sắm vai chủ công đội TP.HCM và HAGL, nhưng ở thời điểm này, lấy lại sự tự tin vẫn quan trọng nhất.
Công Phượng cần thời gian bắt nhịp trở lại. Nhưng sớm thôi, khi đã hồi phục thể lực và cảm giác chơi, chân sút sinh năm 1995 sẽ rất đáng gờm.
Cạnh tranh vua phá lưới
Với hiệu suất ghi bàn ổn định ở Việt Nam (29 bàn sau 64 trận, trung bình 0,45 bàn/trận) cùng kinh nghiệm vượt trội ở sân chơi đỉnh cao, Công Phượng là ứng viên số một cho cuộc đua giành ngôi vua phá lưới hạng nhất 2024 – 2025.
Cạnh tranh bàn thắng với Công Phượng ở giải hạng nhất còn có một ngôi sao tấn công khác, đó là Nguyễn Hoàng Đức. Tuy nhiên so với đồng đội ở tuyển quốc gia, Công Phượng có ưu thế hơn.
Anh thường được đặt ở vị trí chủ công, tích cực tiếp cận vòng cấm và dứt điểm. Khả năng sút tốt bằng cả hai chân, dứt điểm từ xa của tiền đạo 29 tuổi đã mang lại cho anh đều đặn tối thiểu 6 bàn mỗi mùa (ở V-League) từ năm 2018 đến nay.
Tại hạng nhất, bất lợi cho các tiền đạo như Công Phượng là không có ngoại binh làm tường, chạy chỗ để “mở đường”. Dù vậy, chân sút sinh năm 1995 cũng không phải đối diện với những trung vệ ngoại vốn vượt trội về thể hình, sức va. Với việc hạng nhất chủ yếu gồm các CLB và cầu thủ trẻ, giá trị kinh nghiệm mà Công Phượng tích lũy trong những năm tháng “va đập” ở nhiều nền bóng đá sẽ có đất dụng võ.
Theo thống kê ở 7 mùa giải gần nhất, để đoạt ngôi vua phá lưới, Công Phượng và các chân sút khác cần ghi từ 10 đến 15 bàn thắng. 2 mùa gần nhất, các vua phá lưới như Bùi Văn Bình (Bà Rịa – Vũng Tàu) hay Nguyễn Thanh Nhàn (PVF-CAND) chỉ ghi lần lượt 11 và 10 bàn. Cá biệt ở mùa giải 2017 và 2021, vua phá lưới chỉ có… 5 bàn thắng (trong đó năm 2021 mùa giải bị hủy giữa chừng).
Dù vậy ở mùa giải này, khi các đội như Bình Phước, Ninh Bình tân trang nhiều ngôi sao tấn công, còn PVF-CAND đã dạn dày hơn sau nhiều mùa giải, các cầu thủ muốn trở thành vua phá lưới có lẽ cần tối thiểu 15 bàn.
Đây cũng là con số Công Phượng được kỳ vọng đáp ứng, nếu được đặt vào vị trí phù hợp. Chân sút 29 tuổi cần cú hích sau những năm tháng khó khăn.
Nguồn: https://thanhnien.vn/vua-pha-luoi-giai-hang-nhat-cong-phuong-thong-tri-duong-dua-185241019100806658.htm