Tiếc nuối khi ký giấy tự nguyện nghỉ việc
Rời vùng quê nghèo ở Tuyên Quang xuống Hà Nội tìm việc khi mới 20 tuổi, đến nay, chị Nguyễn Thị Tình đã có thâm niên 15 năm làm công nhân tại khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội).
15 năm, chị gắn bó với một công ty sản xuất kính mắt trong khu công nghiệp. Lúc mới chập chững vào nghề chỉ nhận mức lương gần 1 triệu đồng/tháng, đến nay, chị hưởng lương cơ bản 6,7 triệu đồng. Phải tăng ca đều, nữ công nhân mới đạt thu nhập lên đến 8 con số (trên 10 triệu đồng).
Hai vợ chồng chị làm cùng một công ty. Khi hai con tuổi ăn học, nữ công nhân này chỉ làm việc trong giờ hành chính để có thời gian đưa đón, chăm sóc bọn trẻ, việc “cày” thêm để chồng.
Thời “hoàng kim” của công ty, thu nhập của hai vợ chồng công nhân cũng đủ rủng rỉnh tiền bạc.
Sau nhiều năm nỗ lực, tiết kiệm, anh chị cũng để dành được một khoản tiền, năm 2014 đã mua được mảnh đất 50m2, cất nhà tại khu vực huyện Đông Anh. Tính ra, khoản tiền để mua đất, làm nhà cũng tới hơn 700 triệu đồng.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, đơn hàng của công ty liên tục giảm. Hiện mỗi tuần chị chỉ đi làm 3 buổi. Tháng lương gần nhất chị nhận về mức 5,6 triệu đồng/tháng, đúng bằng số tiền đóng học cho hai con.
Chị Tình lo lắng: “Thú thật, tôi chưa từng nghĩ đến một ngày phải nghỉ việc ở công ty. Với người công nhân, nhà xưởng gắn bó lắm, thời gian ở công ty còn hơn nhà mình”.
Khi công ty vận động người lao động ký vào danh sách tự nguyện thôi việc, chị Tình cũng cân nhắc rất nhiều. Song, tình hình công ty không có việc như hiện nay cũng khó có thể dùi gắng, tiếp tục gắn bó.
Ký danh sách xong, chị vẫn nghĩ mọi thứ sẽ lắng xuống. Ai dè, chỉ hai ngày sau (ngày 17/7), nữ công nhân đã có thông báo chấm dứt hợp đồng lao động, không cần phải quay lại nhà máy làm việc.
“Nhóm công nhân chúng tôi, ai cũng phải nâng lên, đặt xuống, suy nghĩ nhiều ngày mới quyết định ký vào bản tự nguyện nghỉ việc. Bởi thực sự, chúng tôi đã gắn bó với công ty quá lâu. Song tình hình khó khăn này, người lao động cũng không còn cách nào khác”, nữ công nhân rơm rớm nước mắt.
Hụt hẫng, tiếc nuối xâm lấn tâm trí chị, chị còn hoang mang vì gần 40 tuổi rồi, giờ lại tiếp tục hành trình chuẩn bị hồ sơ xin việc. “Không tiếp tục ở nhà lâu hơn được, đói mất”, chị nghĩ.
Số tiền trợ cấp nghỉ việc được công ty hỗ trợ gần 70 triệu đồng, chị vẫn dành dụm, để trong tài khoản, không rút ra đồng nào. Chị dự định dùng số tiền đó để duy trì việc đóng bảo hiểm xã hội và đóng học cho con khi năm học mới sắp tới.
2 tuần sau nghỉ việc, chị Tình vẫn chưa tìm công việc phù hợp. “Nhiều công ty trong khu công nghiệp chỉ tuyển công nhân từ 18-35 tuổi, tôi lo lắng lắm, lỡ không tìm được việc”, chị Tình chia sẻ.
Nữ công nhân sau 35 tuổi xin việc sao?
Chị Nguyễn Thị Hải, làm cùng công ty với chị Tình cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Chị Hải vừa thôi vị trí trưởng ca, mức lương 8 triệu đồng/tháng.
Từ tháng 8/2022 đến nay, công ty gặp nhiều khó khăn. Công nhân nghỉ việc luân phiên, hưởng hỗ trợ 70% mức lương cơ bản. Đến năm 2023, ai cũng hi vọng đơn hàng về nhiều hơn, công ty có thể vực dậy song không có phép màu nào.
Nhiều công nhân được khuyến khích làm đơn tự nguyện thôi việc, sẽ được nhận thêm trợ cấp của công ty. Dù không muốn, nhưng không còn nhiều việc nữa, chị Hải cũng buộc lòng phải tự nguyện nghỉ việc.
Hiện sinh hoạt của gia đình chị trông chờ vào đồng lương của chồng. Năm 2022, vợ chồng đã cố gắng mua một căn hộ chung cư gần khu vực đang làm việc. Trong số 900 triệu đồng mua nhà, anh chị phải vay mượn đến 700 triệu đồng, mỗi tháng, khoản trả lãi đã không nhỏ.
Chi phí nuôi con, sinh hoạt đắt đỏ tại thủ đô, thôi thúc chị phải tìm công việc mới. Song hành trình tìm kiếm việc làm của những công nhân đã bước qua tuổi 35 như chị không hề dễ dàng. Bao nhiêu năm làm một công việc giống nhau, kỹ năng nghề nghiệp thực tế không nhiều.
Những ngày qua, chị phải tự tạo việc làm thêm bằng cách nấu đồ ăn bán trong tòa nhà. Dù công việc cũng vất vả, song công việc cũng giúp người phụ nữ mất việc có một khoản để hỗ trợ chi tiêu.
“Chắc chắn cũng phải đi tìm một công việc. Tôi mong kiếm được công việc trong giờ hành chính để có thời gian đưa đón, chăm lo con học hành”, chị Hải tự nhủ.
Những lao động ở độ tuổi như chị Hải khó lòng có thể tăng ca, làm thêm quần quật như trước đây.
Chị Tình, chị Hải là hai trong số hàng trăm nghìn công nhân mất việc làm do tình trạng nhà máy giảm đơn hàng hơn nửa năm qua. Theo Tổng Cục Thống kê, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, số lao động bị mất việc trong quý II năm 2023 là 217.800 người. Trong đó, tập trung chủ yếu ở nhóm lao động thuộc các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, chế biến gỗ.