Cụ bà Lian Swee Wah là cựu giáo viên tiếng Trung 85 tuổi, thích viết lách. Cuốn sách đầu tiên của cụ là tự truyện, viết và xuất bản năm 2019 với sự giúp đỡ của một học sinh cũ. Mới đây, cụ đã xuất bản cuốn sách thứ hai nhờ vào chương trình thí điểm tại Trung tâm chăm sóc người cao tuổi St Luke’s ElderCare ở Singapore, với sự giúp đỡ của trí tuệ nhân tạo (AI).
Chương trình nói trên có tên Ký ức vàng (Golden Memories) sử dụng ứng dụng AI đặt câu hỏi cho người cao tuổi và sau đó ghi lại bằng văn bản hoặc ghi âm giọng nói. Với thông tin thu được, ứng dụng sẽ tạo video hoặc văn bản có thể chuyển thành sách. Có 15 người cao tuổi tham gia chương trình thí điểm này.
Một ứng dụng công nghệ khác được sử dụng là bức tường tương tác hiển thị tác phẩm nghệ thuật của người cao tuổi dưới dạng kỹ thuật số. Các tác phẩm nghệ thuật được gắn mã QR, hiển thị trên tường. Sau đó, người cao tuổi có thể chạm vào, kích hoạt các hiệu ứng hoạt hình.
Trung tâm cũng cung cấp các dịch vụ phục hồi chức năng sử dụng thiết bị robot tiên tiến để giúp người cao tuổi cải thiện khả năng vận động. Những robot này khiến liệu pháp hấp dẫn hơn thông qua các trò chơi, khuyến khích người cao tuổi tích cực tham gia và thực hiện các chuyển động chính xác.
Các chương trình này sắp tới sẽ được nhân rộng tại những trung tâm chăm sóc người cao tuổi khác của Singapore. Theo Tiến sĩ Janil Puthucheary, Bộ trưởng Bộ Y tế, Phát triển Kỹ thuật số và Thông tin Singapore, dự kiến nước này sẽ có 1 triệu người ở độ tuổi 65 trở lên vào năm 2030. Do đó, điều quan trọng là phải thiết lập một cơ sở hạ tầng vững chắc và một mạng lưới toàn diện các đối tác chăm sóc để hỗ trợ người cao tuổi trong cộng đồng.
Xu thế áp dụng công nghệ tại các viện dưỡng lão cũng đang phổ biến hơn tại Trung Quốc, trong bối cảnh nước này đang chật vật để tuyển người chăm những bệnh nhân cao tuổi.
Tại khu vực Lâm Chi thuộc khu tự trị Tây Tạng, một viện dưỡng lão do chính phủ tài trợ đã cung cấp các vòng đeo tay kỹ thuật số cho 32 trong số 98 bệnh nhân cao tuổi và nâng cấp nệm thông thường thành nệm thông minh cho 10 người cao tuổi cần chăm sóc đặc biệt. Những thiết bị này được thiết kế để gửi cảnh báo cho các điều dưỡng viên qua điện thoại thông minh trong trường hợp các cụ cần giúp.
Một số khu vực khác của Trung Quốc cũng đang chuyển sang công nghệ thông minh để nâng cao chất lượng chăm sóc cho nhóm dân số cao tuổi đang tăng nhanh. Tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, một nhà ăn cộng đồng được trang bị thiết bị ở lối vào có thể đánh giá tình trạng sức khỏe của những thực khách cao tuổi và đưa ra khuyến nghị về chế độ ăn uống.
Tương tự, tại thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, chính phủ tài trợ việc lắp đặt giường thông minh tại nhà của những người cao tuổi sống một mình. Những chiếc giường này có thể gửi cảnh báo cho nhân viên cộng đồng nếu người dùng vắng mặt trong thời gian dài, báo hiệu nguy cơ té ngã hoặc các trường hợp khẩn cấp khác.
Số liệu chính thức cho thấy, Trung Quốc có gần 300 triệu công dân từ 60 tuổi trở lên. Dân số cao tuổi gia tăng đáng kể do nhiều yếu tố, trong đó có tuổi thọ cao hơn và tỷ lệ sinh giảm. Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, khoảng 30% dân số nước này sẽ trên 60 tuổi vào năm 2050, đòi hỏi nhu cầu rất lớn về người chăm sóc.
KHÁNH MINH
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/cong-nghe-phuc-vu-nguoi-cao-tuoi-post763678.html