Nếu các tác giả không am hiểu công nghệ, pháp luật thì rất khó để giữ gìn quyền lợi của mình, thậm chí có trường hợp tòa xử xong rồi, người trong cuộc vẫn rất vất vả để đòi bồi thường.
Gian nan đòi công bằng
“Chưa thấy một câu xin lỗi, một đồng bạc đền bù nào cả…”, ông Trương Minh Nhật, tác giả lời bài hát Gánh mẹ mà nhạc sĩ Quách Beem (tên thật Đoàn Đông Đức) đã đăng ký quyền tác giả trước đây, khó chịu chia sẻ.
Cụ thể, sau gần 4 năm theo đuổi vụ kiện bản quyền lời bài hát trên, ngày 27-6, TAND cấp cao tại TPHCM tuyên giữ nguyên án sơ thẩm, bác bỏ toàn bộ nội dung kháng cáo từ ông Quách Beem, đồng thời xác nhận ông Trương Minh Nhật là chủ sở hữu bài thơ, lời bài hát Gánh mẹ. Ngay sau phiên tòa, ông Trương Minh Nhật không kìm được nước mắt bởi những chuỗi ngày đau lòng, cảm giác bị hàm oan khi đeo đuổi vụ việc cũng chấm dứt.
Vụ tranh chấp quyền sở hữu lời bài hát Gánh mẹ giữa nhà thơ Trương Minh Nhật (giữa) với ông Đoàn Đông Đức (bìa phải), Công ty TNHH Lý Hải Production (do ca sĩ Lý Hải thành lập) kéo dài gần 4 năm |
Theo kết quả cuối cùng từ phiên tòa, Quách Beem phải tạm ngưng khai thác bài Gánh mẹ; khắc phục, sửa chữa thông tin sai lệch trong hồ sơ đăng ký quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả và bồi thường cho ông Trương Minh Nhật 122,4 triệu đồng. Thế nhưng đến nay, mọi thứ không được phía nhạc sĩ thực hiện rốt ráo.
Ông Trương Minh Nhật kể: “Họ biết tôi chỉ là người lao động bình thường, không rành luật… nên từng cố tình lật lọng vụ việc. Sau này, tôi hoàn toàn ủy quyền cho phía luật sư, nhưng họ lại né tránh không đến làm việc với văn phòng luật sư nơi tôi ủy quyền. Một số giấy tờ luật sư gửi đến họ theo địa chỉ căn hộ ghi trước đây cũng không có người nhận. Cách đây không lâu, tôi phải chạy đến chung cư nơi họ từng ở để kiểm chứng thì bảo vệ nói họ dọn đi từ lâu”.
Nam Em từng bị một số nhạc sĩ lên tiếng về việc biểu diễn ca khúc độc quyền không xin phép. Ảnh: FBNS |
Hành trình đi tìm công bằng của ông Trương Minh Nhật là vụ việc nổi bật cho tình trạng cố tình “cầm nhầm” trong sáng tạo nghệ thuật. Đây không là câu chuyện riêng của ông mà là vấn nạn chung trong lĩnh vực này. Sự quyết tâm của tác giả theo đuổi vụ kiện cũng khiến công chúng có sự nhìn nhận đúng đắn hơn trong việc tôn trọng bản quyền.
“Khi vụ kiện kết thúc, tôi đã buông bỏ sự căm phẫn trong lòng, giờ chỉ còn buồn vì cách hành xử của phía ông Quách Beem. Họ cố tình trốn tránh thi hành án, không chịu đền bù, gây khó khăn cho tôi và các luật sư… Hiện luật sư đang làm các văn bản để gửi các cơ quan chức năng tiếp tục xử lý vụ việc. Riêng bản thân tôi không nản chí, tôi sẽ quyết tiếp tục đòi công bằng và buộc Quách Beem phải thượng tôn pháp luật. Có như vậy thì sau này người khác bị xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ mới dám đi kiện”, ông Trương Minh Nhật nói thêm.
Ứng dụng chống vi phạm bản quyền
Theo thống kê của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, số lượng vụ xâm phạm bản quyền hay quyền tác giả đang có xu hướng tăng. Hình thức vi phạm cũng càng ngày càng đa dạng, từ sử dụng tác phẩm không xin phép trong các MV, các ứng dụng nghe nhạc trực tuyến, đến biểu diễn trong các các buổi mini concert, liveshow… Cách thức vi phạm cũng ngày càng phức tạp, từ việc sử dụng nguyên tác phẩm mà không xin phép đến việc cắt, ghép, xử lý lại tác phẩm gốc để tránh bị phát hiện…
Một hình thức vi phạm khá đặc thù mà thời gian qua nhiều nghệ sĩ đã phản ánh là các tác phẩm họ sáng tạo nhưng lại bị đơn vị khác nhận vơ quyền sở hữu. Điển hình như vừa qua, nhạc sĩ Phạm Khánh Hưng ra mắt dự án âm nhạc Phạm Khánh Hưng’s Greatest Hits, tập hợp những ca khúc nổi bật do anh sáng tác. Anh lập kênh YouTube để đăng tải ca khúc nhằm giúp khán giả dễ tiếp cận sản phẩm thì phát hiện đã có người đăng ký toàn bộ bản quyền các tác phẩm của anh.
Trước đó, cuối năm 2022, Hứa Kim Tuyền ngao ngán khi bài hát Nếu một mai tôi bay lên trời kết hợp cùng Trúc Nhân bỗng dưng bị đánh bản quyền bởi một đơn vị “nhận vơ” ca khúc này trên YouTube. Nhạc sĩ Giáng Son, NSƯT Kim Tiểu Long, Tăng Nhật Tuệ… cũng từng lên tiếng vì bị “đánh gậy” bản quyền chính các bản nhạc họ thực hiện.
Câu chuyện tranh chấp, tố nhau giữa các nghệ sĩ cũng gây ồn ào dư luận, có thể kể đến các vụ việc như: nhạc sĩ Kai Đinh tố Nam Em tự tiện hát ca khúc Mình yêu đến đây thôi mà anh đang dành độc quyền cho ca sĩ Tóc Tiên; tác giả Xesi tố Ngọc Mai không xin phép khi hát Túy âm; Kay Trần và Nguyễn Khoa tranh chấp xung quanh Tết đong đầy; nhạc sĩ Đình Dũng tố Đan Trường “hát chùa” Từng yêu…
Vi phạm bản quyền diễn ra âm thầm, tinh vi mỗi ngày nhưng việc xử lý bằng các công cụ pháp luật, đặc biệt là việc khởi kiện vẫn còn rất ít. Và số vụ kiện đi tới cùng như vụ kiện Gánh mẹ còn ít hơn nữa.
Theo luật sư Phan Vũ Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ TPHCM, Trưởng Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc vi phạm nhiều trong âm nhạc bởi đây là lĩnh vực dễ thực hiện hành vi vi phạm, dễ xóa dấu vết; bản thân các chủ thể bản quyền đôi khi chưa ý thức được tầm quan trọng bảo vệ tài sản trí tuệ của mình, có tâm lý ngại va chạm; quá trình giải quyết vụ án kéo dài…
Trong khi đó, cơ chế bảo hộ tự động quyền tác giả còn phức tạp trong quá trình chứng minh quyền của chủ thể. Pháp luật hiện hành cũng chưa quy định rõ ràng về hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ, càng dẫn đến việc khó thực hiện trên thực tế.
Cũng theo luật sư Phan Vũ Tuấn, các giải pháp công nghệ, ứng dụng chống lại các hình thức vi phạm về bản quyền đối với từng loại nội dung khác nhau ngày càng phổ biến. Một hướng đi mới là ứng dụng công nghệ blockchain để ngăn chặn ngay từ đầu các vi phạm về bản quyền, nổi bật có công nghệ NFT.
“Tuy nhiên, để công nghệ trở thành giải pháp chủ lực trong hoạt động bảo vệ bản quyền tại Việt Nam còn nhiều trở ngại. Trở ngại từ chính hạ tầng công nghệ chưa đáp ứng tốt các yêu cầu để có thể ứng dụng thực tiễn. Công nghệ blockchain được đánh giá hiệu quả trong lĩnh vực bản quyền nhưng còn mới mẻ tại Việt Nam, chưa được nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi trong vấn đề bảo hộ quyền tác giả. Do đó, ngay từ bây giờ, cần được tập trung đầu tư nghiên cứu để triển khai sớm. Không chỉ nâng cấp hạ tầng công nghệ mà còn cần không ngừng cập nhật, nâng cấp các giải pháp công nghệ mới bởi công nghệ thay đổi từng ngày”, luật sư Phan Vũ Tuấn phân tích.
“Luật Bản quyền cần được phổ biến một cách rõ ràng hơn nữa, song song đó cần xử lý mạnh tay với những trường hợp cố tình vi phạm bởi nhiều vụ việc liên quan từng rùm beng rồi cũng “chìm xuồng” gây nản lòng các chủ sở hữu bản quyền. Điều quan trọng nhất vẫn là ý thức, sự tôn trọng vấn đề bản quyền để chuyện kiện tụng, tranh chấp bị loại bỏ, tạo môi trường sáng tạo nghệ thuật thực sự văn minh, chuyên nghiệp”- Nhạc sĩ NGUYỄN MINH CƯỜNG