Mới đây, ông Lương Duyên Thống – Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, kết quả kiểm tra tại các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe cho thấy việc theo dõi, kiểm tra, khai thác, sử dụng dữ liệu quản lý DAT còn nhiều hạn chế.
Theo đó, nhiều cơ sở đào tạo chưa theo dõi, giám sát, khai thác dữ liệu trên phần mềm hệ thống thông tin DAT để yêu cầu học viên học đủ số km lái xe ban đêm, học đủ thời gian trên xe số tự động.
Tương tự, vẫn còn có tình trạng không tập huấn cho giáo viên hướng dẫn học viên đăng nhập, đăng xuất các phiên học dẫn đến trùng học viên, trùng xe tập lái, trùng hành trình tại cùng một thời điểm.
Trao đổi với phóng viên VietNamNet về ý kiến trên, ông N.V.D. (giám đốc một trung tâm đào tạo sát hạch lái xe tại Bắc Giang) cho biết, khi áp dụng DAT tại cơ sở đã bộc lộ nhiều bất cập, làm khó cho các đơn vị thực hiện.
Theo đó, thiết bị DAT phát tín hiệu không ổn định, hay mất tín hiệu nên rất dễ truyền nhầm lẫn. Thiết bị cũng dễ hỏng, đơn vị phải sửa thường xuyên.
“Theo quy định, học viên phải học thực hành trên đường trường 810km với bằng B2, B1 số tự động và 710 km với hạng B1 số tự động dưới sự giám sát của hệ thống DAT; cứ mấy phút phải chụp ảnh học viên một lần. Với số km này, kết hợp với những yêu cầu giám sát khắt khe thực sự làm khó cho học viên”, ông D. cho hay.
Làm rõ hơn những bất cập xung quanh thiết bị này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, dữ liệu DAT yêu cầu phải trích xuất được thông tin học viên, thời điểm, tọa độ điểm xuất phát và kết thúc của phiên học.
Ngoài ra, thiết bị cũng phải trích xuất được thời gian và quãng đường của phiên học nên các cơ sở đào tạo rất khó khăn trong việc triển khai kế hoạch đào tạo cũng như lãng phí thời gian ghi chép sổ theo dõi dạy thực hành lái xe.
Còn ông Bùi Quế Thịnh, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng GTVT Trung ương 1 lại chỉ ra một bất cập khác đó là khi đăng xuất hay đăng nhập không thực hiện được dẫn đến học viên mất phiên học. Thực tế có trường hợp buộc phải học lại chỉ vì… thiết bị DAT lỗi.
Đồng tình với nhận định trên, ông Ngô Đức Thành, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh cũng cho rằng, thiết bị DAT còn nhiều lỗi làm ảnh hưởng đến quá trình học của học viên, phát sinh chi phí đào tạo.
“Bên cạnh đó, cũng xuất hiện tình trạng con người phải đi giám sát công nghệ. Nghĩa là phần mềm DAT không tự động kết luận kết quả của người học khiến cho cán bộ phải trực tiếp xét duyệt, làm mất rất nhiều thời gian của cơ quan quản lý”, ông Thành cho hay.
Trước những tồn tại này, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh Ngô Đức Thành kiến nghị cần sửa đổi quy chuẩn về thiết bị DAT, có giải pháp công nghệ để phát hiện, ngăn chặn tình trạng gian lận, can thiệp vào thiết bị, làm sai lệch kết quả của người học.
Ngoài ra, phần mềm hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị DAT cũng cần được nâng cấp để có thể tự động phân tích dữ liệu, phát hiện các phiên học bất thường và tự động loại bỏ phiên học không hợp lệ.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, thiết bị DAT lắp trên xe tập lái được quy định tại Nghị định số 138/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ. Dữ liệu DAT và dữ liệu quản lý DAT được truyền về máy chủ của cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý từ ngày 15/6/2022.
Thông qua thiết bị và dữ liệu DAT, học viên học lái xe được học đủ thời gian và số km lái xe trên đường theo quy định. Mục tiêu của thiết bị và dữ liệu DAT nhằm giám sát chặt quá trình học thực hành trên đường, qua đó kỹ năng lái xe được nâng cao, góp phần đảm bảo an toàn giao thông.