(NLĐO)- Tuyển sinh ĐH 2025, ĐHQG TP HCM sử dụng 3 phương thức để chọn được những thí sinh phù hợp. Đây là sự điều chỉnh lớn so với trước.
Ngày 12-2, ĐHQG TP HCM tổ chức hội thảo về các phương thức tuyển sinh ĐH 2025 và kỳ thi Đánh giá năng lực tại ĐHQG TP HCM năm 2025.
Đề cập đến công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2025, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, đưa ra những thay đổi cần lưu ý như:
Chỉ tiêu xét tuyển sớm không quá 20% của từng ngành, nhóm ngành đào tạo. Điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung. Với điều chỉnh này, có thể hiểu, Bộ GD&ĐT chỉ cho xét tuyển sớm theo phương thức tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng. Với quy định bỏ xét tuyển sớm, các trường vẫn sử dụng các phương thức khác nhưng thời gian xét tuyển được lùi về thời điểm xét tuyển chung của Bộ GD- ĐT.
Tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, trong đó phải có môn toán hoặc ngữ văn với trọng số đánh giá chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm. Một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn để xét tuyển, khi đó số môn chung của các tổ hợp phải có trọng số đánh giá chiếm ít nhất 50% tổng điểm. Như vậy, các trường có thể sử dụng không giới hạn tổ hợp xét tuyển, thay vì chỉ được dùng 4 tổ hợp như trước đây, nhưng bị ràng buộc về trọng số điểm của các môn.
Xét học bạ phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh. Như vậy, trường ĐH không thể xét tuyển bằng học bạ và công bố điểm chuẩn từ tháng 3 như trước đây (phương thức xét tuyển học bạ không còn là phương thức xét tuyển sớm).
Các phương thức xét tuyển quy về một thang điểm chung: Điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng ngành tuyển sinh.
Bổ sung ngưỡng đảm bảo đầu vào từ điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT để thí sinh có thể lựa chọn 1 trong 2, hoặc căn cứ vào điểm học tập THPT, hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT. Không ràng buộc đồng thời cả 2 điều kiện như trong dự thảo (ngoài kết quả học bạ 3 năm THPT còn điều kiện điểm sàn thi tốt nghiệp THPT).
TS Nguyễn Đức Nghĩa cũng cho biết tuy quy chế tuyển sinh ĐH 2025 chưa được chính thức ban hành, đến thời điểm này đã có khoảng 70 trường ĐH đã công bố đề án tuyển sinh 2025. Các phương thức xét tuyển về cơ bản không thay đổi so với các kỳ tuyển sinh trước, gồm:
- Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GDĐT và ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của trường ĐH.
- Xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT.
- Xét tuyển theo kết quả học THPT (học bạ THPT).
- Xét tuyển theo kết quả các kỳ thi riêng.
- Xét tuyển kết hợp các phương thức.
Thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, TS Nguyễn Đức Nghĩa cho biết năm 2025 có khoảng hơn 1 triệu thí sinh thi tốt nghiệp THPT, trong đó khoảng hơn 700.000 thí sinh xét tuyển ĐH. Có 2 môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là ngữ văn, toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại đã học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ. Như vậy trên thực tế các em chỉ chọn được 2 môn trong số các môn mà các em đã học khi bước vào năm học lớp 10.
Đề cập đến phương thức xét tuyển 2025 của ĐHQG TP HCM, TS Dương Tôn Thái Dương, Phó trưởng Ban Đào tạo ĐHQG TP HCM, cho biết từ năm nay, ĐHQG TP HCM thống nhất thực hiện 3 phương thức tuyển sinh ĐH, rút gọn hơn so với các năm trước.
Các phương thức xét tuyển gồm:
(1) Xét tuyển thẳng (chỉ tiêu tối đa: 15%): Xét tuyển theo hướng tích hợp nhiều tiêu chí cùng với kết quả học tập THPT.
(2) Xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) do ĐHQG TP HCM tổ chức (chỉ tiêu tối thiểu 20%): Xét tuyển theo hướng tích hợp nhiều tiêu chí cùng với kết quả thi ĐGNL (trọng số từ 50%).
(3) Xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông: Xét tuyển theo hướng tích hợp nhiều tiêu chí cùng với kết quả thi tốt nghiệp THPT (trọng số từ 50%).
ĐHQG TP HCM khuyến khích các đơn vị xây dựng phương thức xét tuyển kết hợp.
Tại Trường ĐH Bách khoa, năm 2025, trường xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT, theo quy định của ĐHQG TP HCM; xét tuyển tổng hợp điểm kết quả học tập, THPT, thi THPT, thi đánh giá năng lực… và năng lực khác; xét tuyển thí sinh người nước ngoài hoặc có chứng chỉ tuyển sinh nước ngoài; xét tuyển thí sinh dự kiến du học nước ngoài.
Nguồn: https://nld.com.vn/cong-bo-nhung-diem-moi-trong-tuyen-sinh-2025-vao-dhqg-tp-hcm-196250212103421541.htm
Bình luận (0)