Lâm Đồng công bố mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng, lợi thế của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa tại địa bàn huyện Đam Rông.
Ngày 5/12, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức lễ công bố mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng, lợi thế của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa tại Cửa hàng bách hóa tổng hợp Hòa Ngân (thôn 1, xã Rô Men, huyện Đam Rông). Buổi lễ diễn ra với sự phối hợp của UBND huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.
Đại biểu dự lễ công bố mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng tại huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. |
Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Vũ Phương Ngân – Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, mô hình này được thực hiện theo Quyết định số 1365/QĐ-BCT ngày 5/6/2024 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt đề án, nhiệm vụ và kinh phí năm 2024 của Bộ Công Thương thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu nhằm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, tạo thương hiệu cho sản phẩm để tham gia vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.
Bà Nguyễn Vũ Phương Ngân – Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại buổi lễ. |
Năm 2024, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng đã chủ trì thực hiện nhiệm vụ xây dựng mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng tại địa phương. Sau khi khảo sát các cửa hàng và doanh nghiệp trên địa bàn 2 huyện Lâm Hà và Đam Rông, Sở đã kết nối và hình thành mô hình tại cửa hàng Hòa Ngân ở thôn 1, xã Rô Men, huyện Đam Rông.
Mô hình được sự hỗ trợ từ Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương. |
Trong quá trình xây dựng mô hình, được sự hỗ trợ từ Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, Sở Công Thương Lâm Đồng đã đầu tư cơ sở vật chất cho mô hình này, bao gồm bảng hiệu, kệ trưng bày và các hoạt động tuyên truyền quảng bá.
Theo bà Ngân, mô hình hiện có khoảng hơn 30 mã sản phẩm hàng hóa, trong đó có nhiều sản phẩm OCOP 3 sao của huyện Đam Rông bao gồm: Maca, tinh dầu maca, trà dây các loại, mật ong, cà phê, khổ qua rừng và nhiều sản phẩm khác. Mô hình này hứa hẹn sẽ trở thành địa chỉ đáng tin cậy để quảng bá và giới thiệu những mặt hàng tiềm năng của khu vực và địa phương.
Hơn 30 mã sản phẩm hàng hóa, trong đó có nhiều sản phẩm OCOP 3 sao của huyện Đam Rông. |
Đại diện Sở Công Thương đề nghị cửa hàng Hòa Ngân tổ chức hoạt động kinh doanh đúng quy định, đảm bảo thông tin sản phẩm rõ ràng, niêm yết giá đầy đủ và phục vụ khách hàng tận tình. Điều này nhằm tạo lòng tin với người tiêu dùng và thúc đẩy hoạt động hợp tác bền vững giữa các bên.
Khách hàng xem và mua sản phẩm macca tại cửa hàng Hoà Ngân |
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Tiến Viết – Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Đam Rông cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện Đam Rông có 18 sản phẩm OCOP 3 sao còn hiệu lực. Đây là cơ hội để quảng bá sản phẩm và bản sắc văn hóa của người dân huyện Đam Rông, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch và đây cũng là một trong những mô hình nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 20 năm thành lập huyện.
Cũng qua sự kiện này, ông Viết tin tưởng rằng mô hình sẽ thu hút đông đảo người tiêu dùng quan tâm và mua sắm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và hợp tác xã quảng bá sản phẩm hiệu quả hơn.
Ông Trần Văn Hoà – Chủ hộ kinh doanh bách hoá tổng hợp Hoà Ngân cho biết, cửa hàng rất vinh dự khi được Sở Công Thương và UBND huyện Đam Rông chọn làm mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng, lợi thế của địa phương. Hiện cửa hàng đang liên kết với hơn 20 cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng để giới thiệu, quảng bá, trưng bày và bán các sản phẩm OCOP chủ lực. “Tôi hy vọng rằng, mô hình sẽ lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp và trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, sẽ là kênh trợ lực, kết nối cho sản phẩm của địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng” – ông Hoà cho hay.
Nguồn: https://congthuong.vn/lam-dong-cong-bo-mo-hinh-phat-trien-cac-mat-hang-tiem-nang-khu-vuc-vung-sau-tai-huyen-dam-rong-362702.html