VHO – UBND tỉnh Đắk Lắk dự kiến sẽ chính thức công bố bảo vật quốc gia được công nhận năm 2024, là bộ “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai”, nhân lễ kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh (tổ chức ngày 22.11.2024).
Bộ sưu tập này được phát hiện tại Di chỉ khảo cổ học Thác Hai (thôn 6, xã Ia Jlơi, Ea Súp, Đắk Lắk), có 250 hiện vật, gồm 200 mũi khoan hoàn chỉnh và 50 phác vật mũi khoan.
Phía sau những trầm tích thời gian
Ông Đinh Một, Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk chia sẻ, trong hai năm 2021 và 2022, đơn vị đã phối hợp Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức khai quật Di chỉ khảo cổ học Thác Hai. Đến năm 2024, Bảo tàng Đắk Lắk tiếp tục khai quật mở rộng lần 3 với Di chỉ này.
Kết quả qua 3 lần, Bảo tàng đã thu được nhiều di tích, di vật quý giá, độc đáo, trong đó bộ sưu tập mũi khoan đá lần đầu tiên được phát hiện ở Tây Nguyên, góp phần làm sáng tỏ hơn những giá trị lịch sử – văn hóa ở vùng đất cao nguyên, đặc biệt là những phát hiện mới về thời đại Kim khí có thể đã rất phát triển ở khu vực Tây Nguyên và cả vùng Đông Nam Á.
“Các nhà nghiên cứu, và đồng nghiệp của chúng tôi đã khoanh vùng Di chỉ và xác định khu vực này có tầng văn hóa dày khoảng từ 2 – 2,3 mét, bên trong chứa các di tích, như mộ táng, hố đất đen, cùng các di vật như bàn mài, rìu, bôn, bàn đập vỏ cây bằng đá. Đặc biệt, tại đây phát hiện có hơn 3 ngàn mũi khoan đá các loại và hàng chục nghìn mảnh gãy vỡ khác nhau, 250 mũi khoan sưu tập là các mũi còn giữ được nguyên vẹn. Tất cả được vùi chôn trong đất, có niên đại từ 4 – 3 ngàn năm trước, cho thấy có một thời kỳ lịch sử phát triển kỹ thuật ở vùng đất Tây Nguyên này”. Ông Đinh Một chia sẻ như vậy.
Theo phân tích của các chuyên gia, sự xuất hiện bộ sưu tập các mũi khoan đá thể hiện hai vấn đề quan trọng.
Thứ nhất, các mũi khoan đá chứng minh vào thời kỳ trước, khu vực Thác Hai có thể đã là nơi quy tụ những người thợ thủ công có tay nghề điêu luyện, và nơi đây có thể là một ngôi làng chuyên về nghề thủ công chế tác đá, ở một trình độ rất cao. Điều này đi ngược với suy nghĩ của nhiều người về tính chất phôi thai, thô sơ trong kỹ nghệ canh tác, sản xuất ở Tây Nguyên.
Thứ hai, việc hiện diện các mũi khoan có số lượng lớn, thể hiện một quy trình phân công lao động rất rõ ràng trong công việc khai thác đá của vùng Thác Hai. Điều này đồng nghĩa và làm rõ hơn vị trí một ngôi làng chuyên về chế tác đá ở đây, mà mỗi người thợ, mỗi nhân công đã được bố trí, phân chia vị trí làm việc rất rõ ràng, như là một dây chuyền sản xuất công nghiệp. Điều này, thật sự khó xuất hiện trong một xã hội sản xuất thô sơ, lạc hậu.
Ngược lại, sự hiện diện các mũi khoan đá dẫn ra những cơ sở chứng tỏ, thời kỳ đầu Công nguyên, vùng Tây Nguyên có thể đã là một xã hội rất sôi động, tập trung nhiều người thợ cùng sản xuất và có một lịch sử canh tác, kỹ thuật sản xuất không hề đơn giản.
Ngôi làng cổ tại Thác Hai thậm chí có thể tồn tại hai giai đoạn, ban đầu thuộc Hậu kỳ Đá mới, thể hiện qua các mũi khoan, về sau thuộc thời đại Kim khí, với những lò đúc, lò luyện thủy tin cùng nhiều hiện vật hạt chuỗi thủy tinh.
Cần giải mã nhiều câu hỏi
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quý (Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tại buổi làm việc mới đây ở Bảo tàng Đắk Lắk, chia sẻ với báo chí một số nhận định từ Di chỉ Thác Hai và qua bộ sưu tập mũi khoan đá.
Theo ông, Di chỉ Thác Hai mới được phát triển, chưa lan tỏa các thông tin với giới nghiên cứu chuyên môn, nên thời gian tới, cần công bố rộng rãi những dữ liệu có được, để có thêm nhiều nhà nghiên cứu và học thuật tham gia, cùng làm rõ đây có phải là một vùng công xưởng sản xuất có kỹ thuật cao hay không.
Các hiện vật tìm thấy đều thể hiện khu vực này tồn tại những lò đúc thủy tinh, chế tác đá với trình độ chuyên nghiệp, cho phép nấu đúc thủy tinh tạo các sản phẩm để tổ chức buôn bán liên vùng. Di chỉ Thác Hai ngoài đồ đá, còn có đồ gốm, đồ thủy tinh, chứng minh là nơi tiếp thu kỹ thuật làm thủy tinh rất sớm, có thể học từ Ấn Độ, và như vậy thuộc về thời đại Kim khí.
Đồng thời, sự hiện diện hàng loạt mũi khoan chứng minh việc sản xuất ở khu vực này không đơn thuần cung ứng tại chỗ, mà có tính chất hàng hóa, chế tác để mang đi buôn bán với các nơi. Như thế, vùng Tây Nguyên trước đây, rất có thể không phải là một vùng khép kín, mà trái lại, còn là khu vực cung cấp các sản vật, hàng hóa.
Trong đó, Thác Hai, và Đắk Lắk, có thể là một giao điểm về buôn bán liên vùng, giữa miền ngược và miền xuôi, có thể đã tham gia rất sớm vào con đường buôn bán trên biển, giữa các trung tâm văn minh Ấn Độ – Trung Quốc ngay những thế kỷ đầu Công nguyên.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quý cho rằng, những suy đoán, nhìn nhận này, cần được giới chuyên môn chung tay giải đáp, và nếu là sự thật, sẽ tác động lớn đến nhận thức giới khảo cổ về một thời đại Kim khí huy hoàng ở khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Á.
Nhất là, trong nhìn nhận lâu nay của cộng đồng xã hội, khu vực Tây Nguyên không có những đột phá phát triển về phương thức canh tác, công cụ lao động sản xuất.
Vào những thời kỳ phôi thai phát triển đầu Công nguyên, làm sao ở vùng đất cao nguyên này lại có thể hiện hữu những phân xưởng sản xuất, những quy trình làm việc, phân chia lao động công nghiệp hóa? Câu hỏi này thật đáng phải giải đáp, và theo đó, bảo vật quốc gia bộ “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” thật sự sẽ là một điểm kỳ thú trong lịch sử khảo cổ Việt Nam.
Nguồn: https://baovanhoa.vn/van-hoa/cong-bo-bao-vat-quoc-gia-suu-tap-mui-khoan-da-thac-hai-112482.html