Tân hoa xã (Trung Quốc) đánh giá tích cực về chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân Bành Lệ Viên cùng đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2022. (Nguồn: TTXVN) |
Chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong 6 năm qua sẽ góp phần củng cố tin cậy chính trị, góp phần thúc đẩy hợp tác cùng có lợi. Chuyến thăm sẽ thắt chặt liên kết giữa nhân dân hai nước, tạo động lực để mở ra một giai đoạn mới, tầm cao mới trong quan hệ song phương.
Trong những năm qua, hai nước đã chứng kiến các hoạt động trao đổi cấp cao và đột phá trong hợp tác thực chất. Đồng thời, mối quan hệ nhận được sự ủng hộ ngày càng sâu sắc của công chúng. Liên kết đặc biệt của “tình đồng chí, anh em” đã mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, phát triển khu vực và trên thế giới. Tình hữu nghị đặc biệt ấy đã được thể hiện rõ trong chính sách đối ngoại, với quan hệ song phương giữa hai nước có một vai trò ưu tiên.
Lãnh đạo hai bên cũng đã vun đắp lòng tin chính trị bền chặt, tình cảm đồng chí sâu sắc để vạch ra con đường cho sự phát triển của quan hệ song phương, với những chỉ dấu về mặt chiến lược quan trọng.
Trong tháng 10, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp gỡ Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhân dịp lãnh đạo Việt Nam tham dự Diễn đàn Vành đai và Con đường vì Hợp tác Quốc tế lần thứ 3. Một năm trước, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên tới thăm Trung Quốc sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc và được đích thân Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao tặng Huân chương Hữu nghị của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Trước đó, năm 2017, lãnh đạo hai nước cũng đã thăm lẫn nhau, với Việt Nam là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình sau Đại hội XIX. Cũng trong chuyến thăm này, hai bên đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc cùng nhau triển khai Sáng kiến Vành đai và Con đường do Trung Quốc khởi xướng và kế hoạch “Hai Hành lang, một Vành đai kinh tế”, dẫn đến hàng loại dự án quan trọng, nâng cao đời sống của người dân.
Đơn cử như dự án tàu điện trên cao đầu tiên của Việt Nam. Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông dài 13 km với 12 nhà ga, bao trùm ba quận của Hà Nội đã mang đến giải pháp giao thông thuận tiện và thoải mái cho người dân trong thành phố đông đúc với hàng triệu xe máy và ô tô. Tuyến tàu điện Do Trung Quốc xây dựng và Việt Nam điều hành đã chứng tỏ sự hợp tác thiết thực giữa hai nước.
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông là minh chứng cho sự hợp tác thiết thực Việt Nam-Trung Quốc. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Năm nay, hợp tác song phương đang hướng đến tầm cao mới khi hai nước kỷ niệm 15 năm thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nhiều năm. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Sau khi sầu riêng Việt Nam chính thức được đưa vào thị trường Trung Quốc năm ngoái, xuất khẩu rau, quả các loại sang Trung Quốc đã tăng trưởng đáng kể trong năm nay. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng dự kiến sẽ đạt 1 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, trong 9 tháng đầu năm nay, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tiếp tục tăng, đứng thứ hai trong số danh sách các nước có đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Các hoạt động trao đổi đoàn cũng phục hồi trở lại và dự kiến sẽ tăng lên khi có thêm nhiều chuyến bay được nối lại.
Đáng chú ý, mối liên kết và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước đang ngày càng được củng cố, tăng cường thông qua sự phổ biến rộng rãi của các bộ phim điện ảnh, phim truyền hình Trung Quốc đối với khán giả Việt Nam. Ngày càng nhiều du khách Trung Quốc chọn Việt Nam làm điểm đến. Ở chiều ngược lại, ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam lựa chọn Trung Quốc để học tập và làm việc.
Cả Trung Quốc và Việt Nam đều coi sự phát triển của nước này là cơ hội phát triển của mình. Triển vọng để hai láng giềng hợp tác, đi theo con đường chủ nghĩa xã hội và thúc đẩy quan hệ song phương, còn rộng mở. Hai láng giềng cần tích cực thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trên biển, đẩy nhanh tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, biến khu vực này thành một vùng biển hòa bình và hợp tác.
Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị luôn nhộn nhịp trao đổi hàng hóa, sản phẩm giữa Việt Nam và Trung Quốc. (Nguồn: TTXVN) |
Đầu tháng 12, đồng chủ trì cuộc họp lần thứ 15 của Ban chỉ đạo hợp tác song phương tại thủ đô Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng hai bên nên nhìn nhận mối quan hệ từ góc độ chiến lược nhằm thúc đẩy tiến bộ con người và tăng cường sức mạnh của chủ nghĩa xã hội.
Phát biểu khi tiếp ông Vương Nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết đã trồng cây đa tượng trưng cho tình hữu nghị ở Đèo Hữu nghị tại khu vực biên giới hai nước. Tổng Bí thư nhấn mạnh trên thế giới chỉ có duy nhất cửa khẩu Việt Nam đặt tên là Hữu Nghị – điều này nêu bật tình hữu nghị, truyền thống giữa hai nước.
Trong bối cảnh thế giới trải qua những thay đổi nhanh, chưa từng thấy trong một thế kỷ, các nước xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc và Việt Nam, căn cứ vào điều kiện đất nước và xu hướng của thời đại, đã tìm ra thành công con đường hiện đại hóa của mình. Với khát vọng chung và nỗ lực chung, con tàu hữu nghị Trung Quốc-Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục ‘cưỡi gió, đạp sóng’ để tiến về phía trước, vì lợi ích của nhân dân hai nước.