Đó là quan điểm của TS. Nguyễn Huy Quang, Trưởng ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.
Còn rất nhiều điều quan trọng cần phải làm sau khi Quốc hội cấm thuốc lá mới
Đó là quan điểm của TS. Nguyễn Huy Quang, Trưởng ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.
Ngày 30/11/2024, Quốc hội thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, “Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể.
TS.Nguyễn Huy Quang. |
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người”.
Đây là quyết sách quan trọng, nhưng sau đó chúng ta cần có hành động kịp thời nào, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Nguyễn Huy Quang, Trưởng ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho hay, còn rất nhiều điều quan trọng cần phải làm.
Ông Quang cho rằng, Quốc hội đã giao Chính phủ tổ chức thực hiện, nên đây là thẩm quyền giải quyết của Chính phủ chứ không riêng của Bộ Y tế hay bộ, ngành nào. Chính phủ chỉ đạo, Bộ Y tế là cơ quan đầu mối phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp… để triển khai thực hiện.
Trên tinh thần như vậy, để thực hiện chỉ đạo điều hành một cách tập trung, nhất quán ngay từ đầu, Chính phủ nên có một Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết này của Quốc hội để giao trách nhiệm cho các bộ, ngành có liên quan thực hiện và tổ chức triển khai ngay mà không cần phải chờ các văn bản nào khác.
Đầu tiên cần phải làm ngay và làm liên tục, đó là tiếp tục thông tin, giáo dục, truyền thông để nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các khí, chất gây nghiện cho người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên, thế hệ trẻ.
Nhưng để việc thông tin, giáo dục, truyền thông có hiệu quả, trước hết, tập trung vào đối tượng là đảng viên, công chức, viên chức đã và đang hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thực hiện trách nhiệm nêu gương là thực hiện ngay việc cai nghiện thuốc lá. Từ đó, tạo ra sự lan tỏa cho những người xung quanh, đặc biệt là giới trẻ.
Tiếp đến theo ông Huy Quang, đó là vai trò của Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thực hiện các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ nhằm tác động đến người dân để mọi người hiểu hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng sẽ gây tác hại to lớn đến sức khỏe tâm thần, gây ra nhiều bệnh ung thư và gánh nặng về kinh tế, cũng như lệch lạc về hành vi và đấu tranh chống việc sản xuất, nhập khẩu, chứa chấp, kinh doanh các sản phẩm gây hại này.
Đồng thời, phải rà soát lại toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật Quảng cáo, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá…
Từ đó, với việc cấm thuốc lá mới thì áp dụng các văn bản nào là phù hợp; hoặc muốn xử lý vấn đề này ở mức độ nghiêm khắc thì làm sao…
Qua đó, đưa ra vấn đề pháp lý để thực thi hoặc phải xây dựng văn bản mới để bảo đảm tính nghiêm minh của quy định cấm. Việc này cần giao cho Bộ Tư pháp làm đầu mối để tổ chức thực hiện.
Với vấn nạn thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã len lỏi vào thị trường bằng con đường nhập lậu.
Để “làm sạch” thị trường và ngăn chặn tình trạng sử dụng, cần phải có giải pháp nào, theo ông Quang, cơ quan quản lý thị trường phải ra quân mở chiến dịch kiểm tra, thanh tra các điểm bán lẻ công khai thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, cả bán các sản phẩm này thông qua mạng xã hội.
Việc ra quân xử lý phải nghiêm minh đối với hành vi vi phạm. Bộ Công thương phối hợp với Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm soát chặt chẽ và chấn chỉnh các quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng công khai qua mạng xã hội, các sàn giao dịch điện tử…
Để ngăn chặn tình trạng nhập lậu từ các cửa ngõ biên giới, Tổng cục Hải quan và Bộ đội Biên phòng phải tăng cường kiểm soát, kiểm tra ngay tại cửa khẩu để xử lý nguồn gốc đầu vào.
Bộ Công an tiếp tục điều tra phát hiện các ổ nhóm sử dụng thuốc lá điện tử, shisha, bóng cười; tiếp tục xử lý nghiêm minh các đối tượng phối trộn ma túy tổng hợp vào thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ rà soát các trường học để không cho thuốc lá thâm nhập vào nhà trường, không để học sinh lén lút hút thuốc lá điện tử tại trường học; cùng với phụ huynh giáo dục học sinh và con em, đừng coi đây là xu hướng của giới trẻ mà buông lỏng sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường.
Bộ Y tế có trách nhiệm làm đầu mối để phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục thu thập các bằng chứng về xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên thế giới và Việt Nam để đưa ra khuyến cáo và giải pháp cần thiết.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng có trách nhiệm tổ chức cai nghiện thuốc lá, đặc biệt thuốc lá mới; có các mạng lưới điều trị đối với các vụ ngộ độc thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ngộ độc ma túy tổng hợp có trong thuốc lá điện tử, đặc biệt là cần sa.
UBND các cấp theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương tổ chức triển khai việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện trên địa bàn mình phụ trách.
Trên tinh thần đó, hàng năm theo nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, chúng ta cần phải có tổng kết, đánh giá, có như vậy mới ngăn chặn được việc sản xuất, nhập khẩu, chứa chấp, kinh doanh và sử dụng các sản phẩm gây hại là thuốc lá mới, shisha, bóng cười; từng bước làm trong sạch môi trường, ngăn chặn ảnh hưởng của các sản phẩm độc hại này đến sức khỏe nói chung, sức khỏe tâm thần nói riêng của người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ, góp phần kiểm soát tốt các bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam.
Bộ Y tế là cơ quan đầu mối tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành để tổng hợp báo cáo Thủ tướng có sự chỉ đạo kịp thời và cũng để Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết. Việc làm này phải thực hiện thường xuyên, không ngơi nghỉ. Nếu thực hiện được thì đây là tấm gương sáng của Việt Nam trong phát triển bền vững, phòng chống các chất gây nghiện, đặc biệt là tệ nạn xã hội, trong đó có ma túy.
Cuối cùng theo ông Quang, các doanh nghiệp, các cơ sở bán lẻ cần thực thi nghiêm chỉnh lệnh cấm và không được phép trì hoãn, bởi chỉ cần trì hoãn một ngày, nguy cơ sức khỏe với người dân lại tăng lên.
“Kinh doanh có nhiều sản phẩm khác, thu được lợi nhuận mà không gây hại, chúng ta không nên vì lợi nhuận mà vi phạm lệnh cấm để bản thân bị xử phạt mà còn có tội với cộng đồng”, ông Quang nhấn mạnh.
Nguồn: https://baodautu.vn/con-rat-nhieu-dieu-quan-trong-can-phai-lam-sau-khi-quoc-hoi-cam-thuoc-la-moi-d231824.html