Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong dòng chảy thông tin quá tải, truyền thông có trách nhiệm cung cấp cho người dân thông tin tri thức, tạo sự thấu hiểu.
Ngày 22-9 tại Đà Nẵng, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã tuyên bố khai mạc Hội nghị Bộ trưởng phụ trách thông tin các nước ASEAN (AMRI) lần thứ 16. Hội nghị có sự tham dự của bộ trưởng, trưởng đoàn các nước ASEAN và 3 nước đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và nước quan sát viên Timor Leste.
Theo Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Việt Nam đặc biệt coi trọng lĩnh vực thông tin, truyền thông. Ngày 6-4-2023 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đặt ra mục tiêu xây dựng cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động báo chí, phát triển nền tảng số, tăng cường các tính năng mới, ưu việt.
Theo bà Xuân, thế giới đang trong giai đoạn đầy biến động. Thông tin được cộng hưởng bởi công nghệ và Internet khiến mức độ lan tỏa ở phạm vi toàn cầu, tác động theo hướng tích cực và cả tiêu cực.
Do đó, việc hợp tác nhằm thúc đẩy tiếp cận thông tin kịp thời, chính xác dựa trên năng lực số. Biến thông tin thành tri thức để hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao sinh kế và đời sống người dân, giảm thiểu tác động của thông tin tiêu cực.
Bà Xuân đề xuất hội nghị quan tâm thảo luận một số giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số. Nâng cao khả năng tiếp cận Internet và kỹ năng số cho người dân, đẩy mạnh thông tin chính thống, tích cực, xử lý tin giả, tin sai. Quan tâm khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, đảm bảo thông tin tri thức được lan tỏa rộng rãi.
Nói với các đại biểu, ông Nguyễn Mạnh Hùng, bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng con người đang sống trong thế giới bị quá tải về thông tin. Mỗi người dân dành nhiều giờ đồng hồ mỗi ngày để tiêu thụ thông tin liên tục, bất kể tin thật hay tin giả.
Tuy nhiên, thông tin quá nhiều nhưng tri thức và sự thấu hiểu đang ít đi. Không nhiều người tìm được tri thức, tạo được giá trị sau dòng chảy thông tin hiện đại.
Quá nhiều thông tin còn gây tâm lý hoang mang, bất an, nghi ngờ và mất niềm tin. Lúc này, truyền thông cần mang đến các thông tin có hàm lượng tri thức mới để giúp người dân thích ứng, sử dụng công nghệ mới cho phát triển và hợp tác, mang lại năng lượng tích cực và nuôi dưỡng niềm tin.
Do đó, truyền thông phải chuyển đổi từ cung cấp thông tin sang cung cấp tri thức và sự thấu hiểu cho người dân để giúp họ tồn tại trong một thế giới đầy biến động.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam cho rằng các nhà lãnh đạo thông tin và truyền thông ASEAN phải dẫn dắt tiến trình chia sẻ thông tin, tạo ra tri thức và sự thấu hiểu trên các nền tảng mạng xã hội và công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Tại hội nghị, các bộ trưởng thông tin của AMRI 16 tuyên bố sứ mệnh mới của truyền thông là tạo ra tri thức và sự thấu hiểu từ thông tin. Qua đó trao thêm sức mạnh cho con người, giúp họ tự tin, làm chủ vận mệnh.
tuoitre.vn