Chiếc đò ngang dùng chiếc chèo đôi đưa khách sang sông ở ngã ba bến chợ Long Hồ. |
Những chiếc đò ngang dùng chèo đôi đưa khách sang sông ở ngã ba bến chợ Long Hồ. Những người phụ nữ tay xách giỏ với những thứ lỉnh kỉnh lình kình. Để chuẩn bị cho bữa cơm của gia đình.
Xuống đò ngang những người phụ nữ ngồi nói chuyện rôm rả, câu chuyện ngừng ngang khi chiếc xuồng đến bến bờ. Cứ thế những người phụ nữ với đôi tay nhẹ nhàng, nâng buông đôi mái chèo trên ngã ba sông, đưa rước những người đi chợ qua con sông đầy lục bình trôi.
Những chiếc xuồng chèo đưa rước khách trên sông Long Hồ, cảnh nhắc nhớ thời “muốn qua sông thì phải lụy đò”.
Sống ở phương Nam ở tuổi 8X, 7X trở lên, ai chưa lần qua đò ngang, ngồi đò dọc chứ. Chiếc đò dọc gắn với nỗi nhớ của tôi nhất là những lần về quê ngoại. Từ bến chợ Cầu Vỹ (sông Bưng Trường) ngồi đò dọc về tới Hựu Thành, bắt thêm chuyến đò nữa để về Thới Hòa- quê ngoại tôi.
Chỉ cách xa gần 30 cây số vậy mà mất gần nửa ngày trời mới đến được nhà ngoại. Ở bến tàu Hựu Thành ngày trước rất nhộn nhịp, tàu sát tàu, xuồng sát xuồng nối một đoạn dài của bến sông. Có lúc, những chiếc tàu, chiếc xuồng không thể vào bờ, phải neo, cột nhờ vào chiếc tàu, chiếc xuồng neo đậu trước.
Tiếng những chiếc tàu nổ, chiếc mái chèo khua nước, tiếng người bắt khách, tiếng rao bán hàng… không khí náo nhiệt sôi động ở bến chợ vùng sông nước. Những năm ấy, những con nước ròng, nước sông đục ngầu do lượng tàu thuyền chạy “đặc sông”. Những bến đò, tàu neo, tàu đi, tàu đến rất nhộn nhịp. Thời tàu xuồng ken đặc sông đã đi vào quá khứ.
Con đò, cây dầm, mái chèo,… nét đẹp tô thêm bức tranh cuộc sống sinh hoạt của người dân vùng sông nước. Những chuyến đò đã in sâu vào trong ký ức của người miền quê sông nước. Gắn liền với dòng sông hiền hòa nước ròng rồi con nước lại lớn. Con nước có lúc đục lúc lại trong, giống như cuộc đời lúc thăng lúc trầm vậy.
Đò dọc, đò ngang. Những chuyến đò đã gắn bó một thời với tuổi học trò, gắn liền mới những buổi đi chợ, đi liên tỉnh của người dân miền sông nước. Hình ảnh và âm thanh nhớ mãi, với thấp thoáng những cánh tay ngoắc đò từ xa, tiếng gọi í ới “đò ơi”. Đò dọc, đò ngang chở mưa chở nắng, chở những vui buồn với biết bao thế hệ, đi cùng suốt khoảng thời gian dài.
Đúng vậy, đó là nét văn hóa quen thuộc của miền sông nước phương Nam. Đến hết thời “muốn qua sông thì phải lụy đò” nhưng nét văn hóa đó vẫn còn hiển hiện rõ nét qua tiếng hỏi để đi nhờ một quãng đường. Giờ đi xe mà người ta vẫn gọi “quá giang” thôi. Quen cách gọi của vùng sông nước mà.
Và đi vào lòng người qua những ca từ nhẹ nhàng, gần gũi, mộc mạc:
“Có một dòng sông chảy tràn trong trí nhớ
Làng em bên lở, làng anh ở bên bồi
Mỗi ngày em qua bên này sông đi học
Dưới bóng con đò chờ trong bóng mù u”
(Sông quê- Đynh Trầm Ca)
Hay
“Nhớ chiếc xuồng xưa năm nào trên bến cũ,
Thương lắm câu hò réo gọi khách sang sông
Áo trắng xuồng đưa mắt cười em khẽ gọi,
Người thương ơi em vẫn đợi chờ”…
(Chiếc áo bà ba-Trần Thiện Thanh)
Sông ngòi chằng chịt, vì thế ghe xuồng là phương tiện vận chuyển mang nét văn hóa sông nước. Và nét đẹp ấy như mái chèo nhịp nhàng đi vào ký ức của những người con đất phương Nam.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG