Kỳ vọng nâng tầm di sản làng nghề gạch gốm đỏ

Festival Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024 (gọi tắt là festival), được xem là sự kiện văn hóa lớn nhất trong năm vừa qua và được đánh giá là đã thành công tốt đẹp.

Báo Vĩnh LongBáo Vĩnh Long04/02/2025


Hình ảnh đẹp lung linh đêm khai mạc festival.

Festival Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024 (gọi tắt là festival), được xem là sự kiện văn hóa lớn nhất trong năm vừa qua và được đánh giá là đã thành công tốt đẹp. 

 

Từ đây cũng mở ra những triển vọng về một sự kiện có tính định kỳ nhằm nâng cao tầm vóc sự kiện, nâng tầm giá trị di sản văn hóa làng nghề, quảng bá hình ảnh quê hương và thu hút du khách trở thành điểm đến đặc biệt của khu vực ĐBSCL. Đó cũng là đáp ứng mong mỏi, nhu cầu thụ hưởng văn hóa của Nhân dân tỉnh nhà, được lan tỏa, được rộng mở hơn với những hoạt động thực sự hấp dẫn hơn.

“Tuyên ngôn mạnh mẽ và cam kết phát triển bền vững”

Đó là một tuyên ngôn mạnh mẽ và cam kết định hướng phát triển một cách bền vững, phù hợp với tinh thần chung phát triển xanh mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết với thế giới. Tuyên ngôn và cam kết đó đã được tỉnh Vĩnh Long thể hiện một cách trọn vẹn nhân sự kiện văn hóa lớn nhất trong năm 2024 và đã được lãnh đạo Chính phủ ghi nhận, đánh giá rất cao.

Làng nghề gạch gốm đỏ sẽ được nâng tầm và lan tỏa giá trị di sản văn hóa đặc trưng của vùng đất phương Nam. Và góp vào bản đồ du lịch đồng bằng một điểm đến đặc biệt trong tương lai không xa lắm. Ảnh: HUỲNH THANH THIỆN


Tại lễ khai mạc festival, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, khẳng định: “Hôm nay, trên mảnh đất Vĩnh Long giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, tôi rất vinh dự được tham dự Festival Gạch gốm đỏ- Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024. Đây không chỉ là lễ hội văn hóa, quảng bá, giới thiệu giá trị làng nghề gạch, gốm đỏ hàng trăm năm tuổi của địa phương mà còn là một tuyên ngôn mạnh mẽ về cam kết của chúng ta hướng đến một tương lai phát triển xanh, bền vững, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc”.


Định hướng chiến lược phát triển và tầm nhìn xa luôn hài hòa, cân đối giữa kinh tế và văn hóa, đặt văn hóa ngang hàng với chính trị và kinh tế; đồng thời trên con đường đi tới tương lai, chúng ta luôn tiếp nối, giữ gìn những giá trị truyền thống ngàn đời đã trở thành một đạo lý “biết ơn” của dân tộc Việt Nam.

Không khỏi nao nao xúc động trước những hình ảnh như sống lại với nét sinh hoạt xưa của người Nam Bộ một chiều trên con kênh Thầy Cai (Mang Thít).

Điều này được Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ghi nhận, đánh giá cao mục đích, ý nghĩa nhân văn của festival: “Ngày khai mạc festival hôm nay là ngày để chúng ta tưởng nhớ, tri ân những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự trường tồn của dân tộc. Ngày khai lễ hôm nay cũng là ngày để chúng ta tôn vinh những thế hệ đi trước đã tạo ra sản phẩm gạch, gốm đỏ trường tồn đến ngày nay và được xem là “di sản đương đại” là “vương quốc đỏ” để hôm nay chúng ta tiếp tục bảo tồn và phát triển”.


Truyền thống và văn hóa chính là cái nền của sự phát triển xã hội, với dân tộc Việt Nam đó là sức mạnh nội lực trong suốt chiều dài lịch sử. Trong thời đại mới hội nhập nhanh và sâu rộng, văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển bền vững, hài hòa. Với di sản làng nghề gạch gốm đỏ Mang Thít, đó chính là niềm tự hào về quá khứ và khát vọng phát triển cho tương lai.

Đó vừa là động lực, vừa là trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong việc tiếp nhận và phát huy gia tài di sản của tiền nhân, được Bí thư Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm, khẳng định: “Sự kiện này tiếp tục tôn vinh tinh thần lao động cần cù, sáng tạo và bàn tay khéo léo qua bao thế hệ của người dân Vĩnh Long từ trên 100 năm nay; nơi đây còn là vùng đất với những con người phóng khoáng, mộc mạc, chân tình của vùng đất trung tâm Tây Nam Bộ trong cái nôi chung gắn kết các vùng, miền trong cả nước cùng kiến tạo, phát triển; là tâm huyết của thế hệ đi sau mong muốn giữ gìn một làng nghề truyền thống vốn chỉ có trên vùng đất này; và hơn hết đây là kết tinh của mong ước “Vương quốc gạch gốm đỏ” sẽ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, để những lò gạch rêu phong, cổ kính mang nền văn hóa Vĩnh Long đến với mọi miền đất nước.

 

Festival Gạch gốm đỏ- Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024 nhằm triển lãm, giới thiệu, quảng bá những thành tựu và tiềm năng, thế mạnh trên các lĩnh vực, góp phần thu hút đầu tư, tăng cường liên kết vùng, tìm kiếm cơ hội lan tỏa đến các thị trường trong và ngoài nước”. 


“Giữ lửa” làng nghề, “cháy lên” khát vọng


Gìn giữ gia tài di sản của tiền nhân, nó không chỉ riêng trách nhiệm của làng nghề, mà là sứ mệnh thiêng liêng chung của tất cả chúng ta- những người con của quê hương Vĩnh Long. Điều này, đã thể hiện trong thời gian qua, từ sự lãnh đạo, quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực chung lòng, chung hướng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh Vĩnh Long, mà sự kiện festival là một trong những minh chứng tiêu biểu. 

Tái hiện hình ảnh phiên chợ vùng quê sông nước trên kênh Thầy Cai tại Festival Gạch gốm đỏ- Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024. Một gợi mở độc đáo trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch làng nghề. Ảnh: TRẦN THANH SANG


Vĩnh Long đã làm hết sức mình vì sự thành công của một sự kiện văn hóa lớn của tỉnh nhà. Nhân dân, du khách trong ngoài tỉnh, chứng kiến nhiều hoạt động đặc biệt lần đầu tiên diễn ra bên dòng kênh Thầy Cai (Mang Thít) cùng lúc các hoạt động quan trọng diễn ra ở TP Vĩnh Long, đã đáp ứng được tinh thần chung, ý nghĩa mục đích của festival.

Các hoạt động diễn ra khá hấp dẫn, thu hút với nhiều hoạt động phong phú, cụ thể: Không gian trên bến dưới thuyền tái hiện chợ nổi- nét văn hóa độc đáo của người dân miền Tây; không gian trưng bày, trải nghiệm sản xuất gạch gốm giới thiệu và tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm tìm hiểu thêm về câu chuyện làng nghề; tổ chức đoàn famtrip trải nghiệm du lịch Vĩnh Long; hội thi ẩm thực và xác lập kỷ lục 102 món ăn chế biến từ tàu hủ ky và dùng kèm tàu hủ ky đầu tiên tại Việt Nam; lần đầu tiên đưa múa rối nước, diều led về địa phương phục vụ Nhân dân và du khách.

Các em bé vọc đất, trải nghiệm sẽ gieo mầm tình yêu với di sản làng nghề cho thế hệ tương lai. ​​​​​​​


Đặc biệt, các ngành liên quan đã vận động nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia khu vực trưng bày, triển lãm sản phẩm OCOP, hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu đặc sản địa phương, khu trưng bày triển lãm du lịch, dịch vụ,... Khu vực triển lãm với sự tham gia của 16 tỉnh, thành phố và 13 doanh nghiệp, nhà tài trợ với 242 gian hàng, thu hút trên 30.000 lượt khách tham quan, mua sắm.

Với những gì đã đạt được từ lần tổ chức đầu tiên, chúng ta hoàn toàn có thêm sức mạnh, ý chí, niềm tin, sự kỳ vọng nâng tầm di sản làng nghề gạch gốm đỏ Mang Thít trong tương lai không xa.

Đó cũng là những hy vọng đẹp đẽ về làng nghề mà Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã chia sẻ tại đêm khai mạc festival: “Tôi hy vọng, thời gian tới, nghề gạch gốm đỏ sẽ phát triển lên một tầm cao mới, sản phẩm sẽ đa dạng, phong phú, tinh xảo, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt hơn sẽ vươn xa ra thế giới. Những lò gạch đỏ sẽ trở thành những lâu đài rực rỡ, lung linh dưới ánh mặt trời nơi đây không những tạo ra những sản phẩm quý hiếm, có giá trị, mang bản sắc vùng ĐBSCL, là đặc trưng văn hóa của vùng chúng ta mà còn là địa chỉ hấp dẫn khách du lịch muôn phương đến với ĐBSCL”.


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

No videos available