Bà Lan (73 tuổi), tên thật là Đỗ Thị Nhọn, mỗi ngày vẫn cùng người con gái duy nhất miệt mài ở quán bánh cuốn mà bà đã gắn bó từ hồi về làm dâu.
Từ lời dặn dò của mẹ chồng quá cố
Mới sáng, TP.HCM đã nắng chói chang. Tôi ghé hẻm 150 trên đường Nguyễn Trãi (Q.1), thấy bà Lan đang tỉ mỉ làm những phần bánh cuốn, bánh ướt để phục vụ thực khách xa gần ghé ủng hộ.
Con hẻm nhỏ, mát rượi, dọc hẻm là mùi thơm của đồ ăn. Những hàng quán ở đây, không xa lạ gì với những người mê ẩm thực ở TP.HCM bởi nhiều nơi có tuổi đời hàng thập kỷ và không khó để bạn có thể tìm một món ăn sáng ngon lành ở con hẻm này.
Quán bà Lan giản đơn với vài cái bàn được xếp ngay ngắn, khách thì đều đặn đến rồi đi còn bà chủ vẫn tỉ mẩn với từng dĩa bánh cuốn, bánh ướt. Tâm sự với tôi, bà Lan cho biết quán ăn được mẹ chồng bà là cụ Bý mở từ trước năm 1975.
“Nghe mẹ chồng tôi kể, mẹ cùng 3 người bạn từ ngoài Bắc vào Sài Gòn sống. Một người thì làm nghề giò chả, một người thì làm tự do, còn mẹ thì quyết định mở quán bánh cuốn này để mưu sinh”, bà Lan thuật lại.
Năm 1978, bà Lan về làm dâu. Cũng từ đó, cuộc đời bà gắn với quán ăn này vì ngày nào cũng ra quán phụ mẹ chồng. Bao nhiêu bí quyết, công thức làm bánh, bà được mẹ chồng truyền lại hết để rồi tự tin kế thừa quán ăn của mẹ sau này, khi cụ Bý đã tuổi già, sức yếu.
Bà Lan, Chủ quán
Mẹ tôi, dù sau này không còn ra quán bán chính như hồi xưa, nhưng ở nhà bà vẫn làm bánh. Mẹ chồng tôi bán bánh cuốn cho tới tận những ngày cuối cùng trong đời bà”, người con dâu U.80 xúc động khi nhắc về mẹ chồng.
Hiện tại, quán ăn do bà Lan cùng người con duy nhất là chị Nguyễn Đỗ Ngọc (44 tuổi) buôn bán. Chị Ngọc, học xong đại học, về phụ mẹ ở quán ăn và gắn bó với nơi này hơn 20 năm qua.
1 giờ sáng đã “lọ mọ” chuẩn bị
Một phần bánh ướt hay bánh cuốn ở quán của bà Lan có giá 35.000 đồng, khá hợp lý ngay giữa trung tâm thành phố. Một phần đầy đủ có bánh cuốn, bánh tôm, chả quế, chả lụa, chả chiên, nem chua ăn kèm với giá, rau sống… ăn kèm nước mắm chua ngọt, cay cay.
Nhìn qua, dĩa bánh cuốn, bánh ướt ở đây không có gì đặc biệt so với tiệm khác. Tuy nhiên, khi ăn mới thấy phần bánh ở đây được làm thật tinh tế. Bà chủ cho biết bí quyết nằm ở phần nước chấm “có một không hai”, với bí quyết do mẹ chồng truyền lại.
“Toàn bộ khâu từ xay bột, tráng bánh cuốn, bánh ướt, làm bánh tôm cũng như phi hành khô đều do tôi và con tôi làm. Bánh do nhà tự tráng rất sạch sẽ và theo gu của là phải tráng thật mỏng mới ngon. Hồi xưa còn trẻ, làm nhanh lắm, nhưng giờ lớn tuổi rồi, tôi làm chậm hơn. Vậy nên 1 giờ sáng là tôi lọ mọ dậy chuẩn bị cho kịp sáng để bán”, bà chủ tâm sự.
Hơn cả, khi khách tới ăn sẽ cảm nhận được sự sạch sẽ của quán. Chính sự sạch sẽ đó là điểm cộng rất lớn, bên cạnh hương vị đầy tinh tế để tôi chấm cho món ăn ở đây được điểm 9/10, quán xứng đáng để trở thành “mối ruột” của nhiều thực khách.
[CLIP]: Bánh cuốn hơn nửa thế kỷ trong hẻm TP.HCM: Con dâu U.80 kế nghiệp mẹ chồng U.100
“Miếng bánh cuốn ở đây có vỏ mỏng bọc lấy nhân thịt, nấm mèo, khi ăn không có cảm giác nặng nề vì nhiều bột. Các nguyên liệu, nhất là rau sống, dưa leo… cái nào cũng tươi ngon. Bà chủ đây cẩn thận, làm sạch sẽ lắm, tôi ăn ở đây lâu xong ăn mấy chỗ khác không có quen, không có ngon được như ở đây”, vị khách nhận xét.
Bà Năm (56 tuổi, ngụ Q.1) cho biết mình ăn ở quán này suốt mấy chục năm qua, hầu như sáng hay trưa tuần nào cũng ghé ăn 3 – 4 lần, có tuần ngày nào cũng ăn.
Tâm huyết với quán ăn là vậy nên bà Lan chỉ sợ một điều, rằng sau này tuổi già sức yếu, sẽ không có người kế thừa. Tôi hỏi chị Ngọc: “Chị có kế thừa quán của mẹ không chị?”, cô con gái của bà chủ cười đáp: “Hy vọng là có đủ duyên…”.