Cuối tháng 5-2024, khi họp phụ huynh cuối năm cho con là học sinh một trường tiểu học tại TP.HCM, anh Q. rất bực bội. Con anh là một trong ba học sinh của lớp không đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Nguyên nhân vì con “bị” cô giáo âm nhạc đánh giá H trong kết quả học tập, rèn luyện cuối năm.
Một giáo viên dạy âm nhạc tiểu học ở TP.HCM
Đa số rơi vào môn âm nhạc
Không thể nào lại như vậy, anh Q. quyết tâm làm cho đến cùng và lập tức gọi cho hiệu trưởng nhà trường. Kết quả là cô giáo âm nhạc bị hiệu trưởng “sờ” đến.
“Ban giám hiệu yêu cầu tôi giải trình về việc vì sao tôi đánh giá học sinh đó H mà không phải T (Hoàn thành tốt) như những học sinh khác. Tôi trình bày rằng tôi đánh giá cả quá trình học tập một năm học của học sinh chứ không phải đánh giá một thời điểm nào và đã có trao đổi về quá trình học tập với phụ huynh về môn âm nhạc. Nhưng đến cuối năm, em không thể hát một bài hát nghe ra lời thì tôi làm sao cho em T được.
Tuy vậy, ban giám hiệu nhà trường vẫn yêu cầu tôi xem lại và nói rằng phụ huynh rất tức giận. Họ nói con họ bị đánh giá như vậy thì sẽ không ủng hộ gì nhà trường nữa, cắt tài trợ với nhà trường” – cô H., một giáo viên âm nhạc bậc tiểu học tại TP.HCM, bức xúc kể.
Những chuyện khổ sở vì H như vậy không hề thiếu trong các trường tiểu học sau khi có kết quả đánh giá cuối năm học. Cô D., một giáo viên âm nhạc tại trường tiểu học T. ở TP.HCM, cũng cho biết cô cảm thấy phụ huynh hiện nay hễ không thích là “bức xúc” và “coi thường” đánh giá của giáo viên âm nhạc.
“Trong lớp 40 học sinh thì thể nào cũng có khoảng 7 – 8 học sinh không thể nào hát được một bài hát, không thể nào đọc được một nốt nhạc. Và điều này là bình thường, vì không thể bắt các em học sinh đều có thể học tốt tất cả các môn học, nhất là âm nhạc.
Đáng lẽ, những học sinh không thể hát được một bài hát thì giáo viên sẽ phải đánh giá là C (Chưa hoàn thành). Nhưng vì C hiện rất hiếm trong đánh giá tiểu học, chúng tôi chỉ đánh giá H” – cô D. kể.
An toàn khi cả lớp đều T
Cô M., một giáo viên âm nhạc khác, cho biết cách đây mấy năm cô còn đánh giá H nhưng nay với những áp lực bủa vây như vậy, cô đành chọn cách đánh giá toàn bộ học sinh đều đạt T.
“Thật sự một vài học sinh từ đầu năm đến cuối năm không thể thuộc một bài hát, không mang sách vở khi đến lớp, về nhà cũng không tập bài hát nào như yêu cầu của giáo viên nhưng chúng tôi không dám đánh giá C hoặc H nữa. Vì phụ huynh làm quá, nhà trường thì mỗi lần vậy lại bắt giáo viên chạy lên chạy xuống, chúng tôi cũng đành cho cả lớp T cho xong.
Nếu trong lớp có một học sinh nào hòa nhập thì có khi còn có thể cho em đó chữ H. Tỉ lệ nhiều khi rất buồn cười là đến 99% học sinh học âm nhạc đều được đánh giá T. Nhưng như vậy ai cũng hài lòng nên nhiều khi giáo viên cũng đành phải tặc lưỡi làm” – cô M. chia sẻ.
Cô L., giáo viên âm nhạc ở một trường tiểu học khác, cho biết cô không chỉ bị áp lực khi đánh giá H đối với phụ huynh mà còn bị áp lực bởi nhà trường. Vì nhà trường còn đưa ra tỉ lệ đánh giá học sinh hoàn thành tốt có năm đến 90%.
“Thực sự trước khi kiểm tra âm nhạc cho học sinh tiểu học, chúng tôi đã dành cả mấy tuần để cho học sinh thời gian tập luyện nhưng nhiều em vẫn không thể hát nổi một đoạn trong bài. Tôi không thể cho cả lớp T được vì như vậy sẽ khiến các em học không thực chất.
Khi kiểm tra âm nhạc, tôi nhờ cô chủ nhiệm ngồi bên cạnh để cô biết các học sinh hát thế nào, hiểu âm nhạc thế nào. Như vậy mới có minh chứng sau này có vấn đề gì thì còn đưa ra bảo vệ bản thân” – cô L., một giáo viên ở quận vùng ven TP.HCM, buồn bã nói.
Để không áp lực
Tôi có sổ theo dõi học sinh ngay từ đầu năm học nên khi đánh giá các em thì rất khách quan, chính xác và không gặp áp lực khi phải đánh giá, xếp loại H. Khi đánh giá, học sinh hát đúng giai điệu, đúng tính chất của bài hát thì sẽ xếp loại T. Đối với các em không hợp tác, không thuộc bài, tôi cho H. Ví dụ, mỗi lớp có 50 học sinh thì có khoảng 35 – 40 học sinh đạt T, số còn lại là H.
(Giáo viên âm nhạc của một trường tiểu học tại TP.HCM)
Nguồn: https://tuoitre.vn/con-bi-xep-loai-chu-h-phu-huynh-doa-cat-tai-tro-cho-truong-20240527224551338.htm