Tuổi Trẻ Online ghé quán cơm tấm Ba Lịa từ 7h sáng, thời điểm quán bắt đầu mở cửa. Khách bắt đầu đông dần và ngồi kín bàn.
Quán chị Tươi có đến 4 người làm nhưng vẫn không ngơi tay. Chị Tươi đảm nhận vai trò quan trọng nhất. Đó là… nướng thịt.
Phải thuyết phục rất nhiều lần, chị Tươi mới dành chút thời gian trò chuyện cùng người viết. Chị cười ái ngại: “Bạn thông cảm nhé! Vì để khách chờ lâu thì không được. Có người dễ tính nhưng cũng có người khó. Mình để họ chờ thì không phải phép”.
Cơm tấm Ba Lịa có trong ký ức của dân Bà Điểm?
Chị Tươi cho biết quán cơm tấm của chị đã có mặt ở Hóc Môn từ những năm 1970, đến nay ngót nghét hơn nửa thế kỷ.
Chỉ vào trong quán, chị Tươi nói: “Đây là nhà của tôi luôn. Hồi xưa đã bán ở đây và bán đến giờ. Tôi nghĩ, có lẽ dân Bà Điểm ai cũng từng một lần nghe đến Ba Lịa”.
Hồi xưa, chủ quán cơm Ba Lịa là bà nội chị. Lúc ấy, quán không có tên, chỉ gọi đại khái là quán cơm tấm. Sau này, đến đời chị, nhiều quán cơm tấm mọc lên. Để cho khách dễ phân biệt, dễ tìm rồi thì cũng nhớ bà mình, chị lấy tên bà nội là Ba Lịa để đặt cho quán.
“Quán tôi có nhiều khách quen. Nhiều người 70, 80 tuổi ăn từ thời bà nội. Bà dặn tôi phải để ý rồi nhớ. Người ta thích ăn cái gì, kỵ cái gì mà biết ý để phục vụ chu đáo”, chị Tươi vui vẻ kể.
Thậm chí, với nhiều khách quen mặt, chị có thể chuẩn bị sẵn phần cơm mà không cần hỏi trước.
Một đĩa cơm tấm Ba Lịa có giá cao nhất là 100.000 đồng với đầy đủ sườn, bì, chả. Trong đó, phần chả cua làm kỳ công và theo chị Tươi, cơm tấm có chả cua chỉ bán vào 2 ngày cuối tuần bởi những ngày ấy là bán đông khách nhất.
Trên nhiều diễn đàn, nhiều ý kiến tranh cãi nổ ra xoay quanh giá của một đĩa cơm tấm được xem là mắc nhất Hóc Môn.
Có người nhận xét dí dỏm: “Mấy quán như vầy thì mắc là nhờ thương hiệu. Mắc thì mới tạo điểm nhấn, tạo thêm tâm lý ‘tiền nào của nấy’ của mấy người ít đi ăn chỗ khác. Nếu quán hạ giá xuống cỡ 40.000 – 50.000 đồng thì sẽ ít ai biết tới”.
Người thì nói: “Nhìn bề ngoài thì miếng thịt nào cũng như nhau nhưng với nguyên liệu chế biến, có lẽ chủ quán mua loại ngon nên họ mới dám bán với cái giá ấy. Tiền nào của nấy thôi, phải thưởng thức tận nơi thì mới biết được”.
Tuổi Trẻ Online hỏi chị Tươi nghĩ sao về biệt danh “quán cơm tấm mắc nhất Hóc Môn” của Ba Lịa.
Chị phân trần: “Từ thời bà nội đến giờ, tôi vẫn bán theo tầm giá như vậy. Hồi đó thì bán khoảng 20.000 – 30.000 đồng một đĩa cơm, rồi sau này vật giá leo thang nên lên 60.000, 100.000 đồng thì ngưng lại. Vì công mình làm cũng cực nên mới có giá như vậy”.
Với chị Tươi, công đoạn nướng thịt ở Ba Lịa là khó nhất bởi bán đến đâu thì mới nướng đến đó, luôn phải canh lửa kỹ, trở đều tay, không khéo thì dễ khét.
Mỗi ngày, quán mở cửa từ 7h sáng, chưa đến 9h là quán đã ngưng nhận khách. Chị Tươi cho biết trong một buổi sáng, chị bán khoảng 6-7kg thịt.
Chị Tươi nướng và cắt sườn liên tục trên bếp than nghi ngút khói – Video: HỒ LAM
Hổng ai theo nghề bà nội thì uổng lắm!
Chị Tươi theo nghề bà mình từ khi nào chị cũng không nhớ. Chỉ biết khi bà 80 tuổi thì chị ra bán dần cho đến giờ.
“Tôi thích cái nghề gia truyền từ xưa giờ của nhà mình nên muốn duy trì. Sau này, nếu không theo nghề thì sợ hổng còn ai kinh doanh, bỏ mất đi quán cơm lâu năm thì uổng lắm!”, chị bày tỏ.
Nhiều lần người viết phải ngắt cuộc trò chuyện giữa chừng để chị nướng thịt rồi đặt lên đĩa cơm. Chủ quán, phụ việc, ai cũng luôn tay luôn chân nướng sườn, xới cơm, đón khách nhưng vẫn không hết việc.
Chị kể: “Một số người đi Mỹ nhiều năm, về thăm quê hương hay người lớn tuổi ghé qua quán tôi ăn để tìm lại nếp xưa vị cũ. Hay có những vị khách ở quận 1, quận 7 cũng lặn lội sang Hóc Môn để ăn”.
Nhiều người bảo, ở Sài Gòn, đi một bước là thấy 2, 3 quán cơm tấm. Thực tế cũng có nhiều quán nổi tiếng, được Michelin gọi tên như: cơm tấm Ba Ghiền.
Hỏi liệu Ba Lịa có sợ cạnh tranh với Ba Ghiền hay nhiều quán khác rồi làm sao để khác biệt, chủ quán bảo: “Tôi nghĩ mỗi người mỗi khẩu vị, mỗi quán có một cách làm riêng. Mình chỉ biết là đến tay khách thì đĩa cơm, miếng thịt luôn phải nóng hổi, giòn rụm.
Tôi cũng là người tiêu dùng nên khi ở vai trò là người bán thì tự nhủ phải đặt tâm sức vào món ăn để khách hàng nhớ đến và cảm thấy xứng đáng với đồng tiền mà họ bỏ ra thưởng thức”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/com-tam-ba-lia-mac-nhat-hoc-mon-sau-2-tieng-da-ngung-nhan-khach-2024061411055768.htm