Nằm trên con phố Trấn Vũ (158 phố Trấn Vũ, quận Ba Đình, Hà Nội) gần với khu phố đi bộ Đảo Ngọc – Ngũ Xã có một cửa hàng cơm Mậu dịch số 37 đang dần trở thành điểm đến yêu thích của người dân, du khách trong nước và du khách nước ngoài.
Ngay từ ngoài cửa, du khách đã thấy hình ảnh của một thời kỳ thông qua chiếc cột đèn, chiếc xe đạp hay màu sơn rất đặc trưng. Bước chân vào bên trong, du khách sẽ thấy một không gian ngập tràn những đồ vật, kỷ vật thời bao cấp. Từ những bức ảnh đen trắng, chiếc bàn ăn được làm từ chân máy khâu, bộ gế salon có đệm vải họa tiết hoa văn con công rất đặc trưng… đến cốc bia hơi, viên đá xếp hàng được chủ cửa hàng trưng bày trong tủ kính. Dường như cửa hàng Mậu dịch 37 đang tái hiện lại khung cảnh xưa của thời bao cấp gian nan mà tràn đầy yêu dấu.
Chị Đặng Thanh Thủy, chủ cửa hàng cho biết: Ký ức thời bao cấp lớp trẻ ngày hôm nay được nghe qua những câu chuyện kể của ông bà cha mẹ, là những quầy mậu dịch đông kín người xếp hàng chờ mua lương thực, là cái ti vi trắng đen cả xóm quây quần mỗi tối, là bát đĩa men, đài bán dẫn, dép nhựa Tiền Phong… Một thời Hà Nội gian khó và “có lẽ vì dính mồ hôi con người mà các sợi mỳ gia công có vẻ dai và mặn hơn…”. Mậu Dịch số 37 sẽ là nơi lưu giữ ký ức thương mến và nhiều vất vả ấy, trong một không gian nhuốm màu hoài niệm đựng đầy thời gian, giữa lòng Hà Nội hiện đại và sôi động ngày hôm nay.
Những món ăn như: rau lang om mẻ, cá riếc kho tương; đậu tẩm hành; cơm độn mì, độn sắn; canh cua tập tành, cà pháo, cơm cháy… rất được du khách trong nước và du khách nước ngoài thích thú và bày tỏ khen ngợi.
Cửa hàng cơm Mậu dịch số 37 đã có nhiều báo, đài quốc tế đến quay phim, chụp ảnh như New Yorktime của Mỹ; truyền hình NHK của Nhật Bản; báo của Úc.
Lúc đầu khi đồng ý cho họ đến quay video, viết bài, tôi hơi ngại vì tất cả đều là đồ cũ kỹ, ảnh thì đen trắng, đồ vật đều tối màu, thế nhưng không ngờ khi họ quay và gửi link xem thấy quá đẹp, mọi thứ thật trong veo và đong đầy cảm xúc”.
Cũng theo chị Đặng Thanh Thủy, Có những đoàn du khách nước ngoài đến đây ăn bữa cơm trước khi rời khỏi Việt Nam thì chia sẻ, đây là buổi cuối cùng trong chuyến du lịch ở Việt Nam, được thưởng thức bữa cơm với tinh thần văn hóa Việt. Cảm nhận rõ nét nhất về Việt Nam chính là bữa cơm này và nó sẽ là bữa cơm lưu giữ kỷ niệm đẹp về Việt Nam.
Đó là điều tôi thấy vui, và hiện tại đã là 12 năm mở cửa hàng cơm Mậu dịch mà chưa bao giờ tôi thấy hết đam mê, hết nhiệt huyết. Lúc nào tôi cũng cảm thấy vui, hạnh phúc khi nhìn nét mặt của khách hàng khi bước vào quán, thưởng thức các món ăn…
Tạp chí Heritage