Từ một công trường khai thác than thủ công của Xí nghiệp Than Cẩm Phả, Công ty Than Cọc Sáu đã vươn mình giành nhiều kỷ lục về phong trào thi đua sản xuất, khai thác than, trở thành cánh chim đầu đàn của ngành than. Nay moong Cọc Sáu ở mức -300, mức sâu nhất trong ngành Than, các thế hệ công nhân Cọc Sáu vẫn kiên trì, sáng tạo viết tiếp trang sử truyền thống của mình.
Năm 1888, sau khi xâm chiếm khu mỏ, người Pháp thành lập Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (SFCT) tại Quảng Ninh, coi vùng mỏ Cẩm Phả là một khai trường lớn. Trong đó, Cọc Sáu được coi là khai trường thủ công lớn nhất. Dưới ách áp bức của chủ mỏ Pháp, công nhân ở mỏ Cọc Sáu đã vùng lên đấu tranh mạnh mẽ, góp phần vào phong trào đấu tranh chung của công nhân Vùng mỏ. Năm 1955, ta tiếp quản khu mỏ, mỏ than Cọc Sáu khi đó là một công trường khai thác thủ công của Xí nghiệp Than Cẩm Phả.
Tới ngày 1/8/1960, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định 707/BCN-K2 thành lập Xí nghiệp Than Cọc Sáu trực thuộc Công ty Than Hòn Gai với 1.800 lao động. Lúc này máy móc thiết bị khai thác mỏ còn rất thô sơ, cả mỏ chỉ có 2 người có trình độ đại học, 4 người trung cấp, còn lại chủ yếu lao động giản đơn.
Trong muôn vàn khó khăn nhưng cán bộ, công nhân mỏ Cọc Sáu đã hăng hái, say mê làm việc, mở ra nhiều phong trào thi đua mạnh mẽ với tinh thần “sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc”. Đã xuất hiện nhiều điển hình chiến sĩ thi đua, kiện tướng của ngành Than như: Lại Thị Gái, Hà Quang Hợp, Trần Thị Bé, Tạ Khắc Tương, Nguyễn Duy Thiện và một số điển hình khác.
Còn nhớ dịp đầu năm 2022, chúng tôi đã được tiếp xúc với bà Lại Thị Gái, kiện tướng ngành Than đầu tiên của Than Cọc Sáu, bà kể lại: Lúc đó khai thác than còn thô sơ, chủ yếu sức người là chính, đời sống còn khổ, nhưng khí thế thi đua, lao động của công nhân, cán bộ thì không đâu bằng. Ai cũng phấn đấu vượt mức kế hoạch được giao, thiết lập những kỷ lục mới.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, tháng 9/1960, Bác Hồ tuyên dương cán bộ, công nhân mỏ than Cọc Sáu: “Nếu tất cả các công trường, xí nghiệp đều học tập than Cọc Sáu thì chắc chắn rằng, kế hoạch 5 năm sắp tới của chúng ta sẽ được hoàn thành và hoàn thành trước thời hạn”.
Lời của Bác là động lực cho than Cọc Sáu thi đua lao động tốt hơn. Đặc biệt, giai đoạn này Cọc Sáu đã bắt đầu khai thác xuống moong, mở đầu công nghệ khai thác than mới, giúp mỏ nâng cao sản lượng lên 150-200%. Năm 1964, than Cọc Sáu đạt kỷ lục, cột mốc đáng tự hào khi đạt sản lượng 1,2 triệu tấn than, gấp 2 lần tổng sản lượng than 1955 của cả miền Bắc cộng lại.
Tiếp đà, những năm sau đó, sản lượng liên tục tăng nhanh. Trong không khí “sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, cán bộ, công nhân mỏ than Cọc Sáu càng hăng hái, sáng tạo trong các phong trào hạ moong, đắp đê chắn nước, đưa máy xúc xuống moong. Nhờ đó, sản lượng than của Cọc Sáu giai đoạn 1960-1975 là gần 11,6 triệu tấn. Năm 1968, Than Cọc Sáu được Bác Hồ gửi thư khen ngợi.
Đến năm 2005, Cọc Sáu lại lập mốc mới, đạt sản lượng 3 triệu tấn than, đồng thời chinh phục độ sâu đáy mỏ -150m so với mực nước biển. Càng xuống sâu, yêu cầu công nghệ, kỹ thuật khai thác càng cao. Cùng với công nghệ hiện đại, các cán bộ kỹ thuật sáng tạo trong việc ngăn nước, xử lý bùn, trộn với đất đá để vận chuyển dễ dàng, làm sạch đáy moong để bóc xúc than.
Theo báo cáo của Công ty Than Cọc Sáu, trong 10 năm (2011-2020), Công ty đã khai thác 24 triệu tấn than. Năm 2023, Công ty phấn đấu khai thác 1,5 triệu tấn than. Khai trường của Cọc Sáu đã đạt độ sâu -300 so với mực nước biển, là mức khai thác sâu nhất trong ngành Than, cũng là mỏ có độ sâu khá hiếm trên thế giới hiện nay.
Diện khai thác hẹp, càng khó khăn, công nghệ khai thác và trí tuệ, sự sáng tạo của những công nhân, cán bộ kỹ thuật than Cọc Sáu vẫn đang ngày càng được phát huy, nỗ lực viết tiếp trang truyền thống vẻ vang của mình.