Bia đậm vị
Thủ tướng Úc ngày 3-6 đã ăn trưa tại một quán ăn ở khu phố cổ Hà Nội với nhiều món ăn truyền thống Việt Nam, cùng với bia hơi Hà Nội, thức uống quen thuộc của người dân Thủ đô trong những ngày hè nắng nóng.
Những người bạn nước chủ nhà đã cùng Thủ tướng nâng ly, hô “một, hai, ba, dô!” như thói quen vui vẻ của người Việt trước khi nếm thử bia Hà Nội.
Uống bia hơi lạnh vào mỗi buổi chiều hè là một thói quen của nhiều người dân thủ đô. Bia được rót trong chiếc cốc to bằng thủy tinh màu xanh, bọt li ti nổi lên từ đáy cốc.
Với giá thành không mấy đắt đỏ chỉ khoảng 10.000 đồng/cốc, bia hơi là món đồ uống bình dân, giải khát mùa hè. Thời bao cấp, người dân thủ đô xếp hàng chờ mua bia 3 hào một cốc tại các cửa hàng mậu dịch vào mỗi buổi chiều.
Không chỉ vậy, bia hơi còn lọt Top đặc sản khách nên thử khi đến Hà Nội, theo trang chuyên về du lịch Booking.com.
Nhắc tới bia hơi, không thể nhắc tới Bia Hà Nội, một thương hiệu có lịch sử hàng trăm năm. Đứng đầu thị phần mảng bia hơi ở miền Bắc là Tổng công ty cổ phần Bia- rượu- nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã BHN).
Nhìn lại lịch sử của Habeco, năm 1890, những chai bia Hà Nội đầu tiên được ra đời. Năm 1958, chai bia đầu tiên của Việt Nam mang nhãn hiệu Trúc Bạch ra đời, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong ngành công nghiệp sản xuất bia tại Việt Nam.
Sau thời kỳ đổi mới, tháng 5/2003, Bộ trường Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) có quyết định thành lập Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội.
Đến 6/2008, Tổng công ty chính thức chuyển đổi mô hình tổ chức sang Tổng công ty cổ phần. Năm 2017, Habeco đã chính thức đưa 231,8 triệu cổ phiếu niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.CHM (HOSE).
Hiện, thị trường kinh doanh của Habeco chủ yếu từ Quảng Trị trở ra Miền Bắc. Habeco đang giữ vị trí thứ 3 về thị phần tại Việt Nam và số 1 tại thị trường bia miền Bắc. Habeco đang từng bước xây dựng nền tảng để phát triển tại thị trường miền Nam với hệ thống nhà phân phối tại TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.
Kết thúc năm tài chính 2022, doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính của Công ty mẹ đạt hơn 6.938 tỷ đồng, tăng 5% so với kế hoạch và tăng 21% so với cùng kỳ. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 517 tỷ đồng, tăng 88 % so với kế hoạch và tăng 37% so với cùng kỳ.
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản là 7.233,1 tỷ đồng, tăng 2,05% so với năm 2021. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 4.843,3 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 66,96% tổng tài sản, tài sản dài hạn là 2.389,8 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 33,04% tổng tài sản.
Báo cáo của một số đơn vị nghiên cứu cho thấy, Việt Nam nằm trong top quốc gia tiêu thụ nhiều bia nhất thế giới. Theo báo cáo từ Vietnam-Briefing, mức tiêu thụ bia của Việt Nam tính đến năm 2022 chiếm 2,2% thị trường toàn cầu, ở mức 3,8 triệu lít bia hàng năm. Điều này khiến Việt Nam dẫn đầu trong khu vực ASEAN về tiêu thụ bia.
Chính vì thị trường hấp dẫn nên các đại gia ngoại đều mong muốn xâm nhập vào Việt Nam, thông qua các thương vụ cổ phần hoá. Bia Sài Gòn là một ví dụ điển hình. Tháng 12/2017, ThaiBev của Thái Lan đã bỏ gần 5 tỷ USD để mua lại 53,6% cổ phần Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) thuộc sở hữu của Bộ Công Thương.
Bia Sài Gòn có lịch sử gần 150 năm. Từ một xưởng bia nhỏ, năm 1977, Bộ trưởng Bộ Lương thực và Thực phẩm ra quyết định giao công ty Rượu Miền Nam tiếp nhận và quản lý toàn bộ nhà máy. Tháng 6/1977, nhà máy được đổi tên thành Nhà máy Bia Sài Gòn.
Sau 5 năm về tay người Thái, Bia Sài Gòn bắt đầu làm ăn có lãi nhờ những chiến lược mở rộng thị trường, không còn ở khu vực phía Nam mà phủ sóng toàn quốc. Các sản phẩm Bia Sài Gòn cũng đa dạng có thể cạnh tranh với nhiều thương hiệu quốc tế khác.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần đạt 34.979 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 5.500 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 32% và 40% so với 2021.
Sabeco tiếp tục khẳng định cam kết nâng tầm vị thế thương hiệu Việt.
Trong năm 2023, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu 40.272 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 5.775 tỷ đồng, lần lượt tăng 15,1% và 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Rươụ, vang nhạt dần
Sau khi hội nhập, rượu ngoại vào Việt Nam từ nhiều con đường khác nhau. Chính vì thế, những chai rượụ Lúa mới, Vodka Hà Nội hay chai vang không còn xuất hiện trong các gia đình Việt dịp lễ Tết. Những tên tuổi lâu đời trong ngành rượu đang dần bị lãng quên và kinh doanh giảm sút.
Đơn cử, CTCP Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico, HNR) có lịch sử trên 100 năm, tiền thân là nhà máy rượu Hà Nội từ năm 1898. Halico chuyển sang hoạt động hình thức cổ phần từ năm 2006. Năm 2018, công ty lên sàn chứng khoán. Hiện, Halico là doanh nghiệp sản xuất cồn rượu lớn nhất Việt Nam.
Theo Halico, sau 2 năm dịch bệnh Covid-19, nhu cầu tiêu dùng nội địa giảm, người dân tiết giảm chi tiêu, một phần hướng đến sản phẩm rượu tự nấu, giá thành rẻ. Bên cạnh đó, chi phí nguyên vật liệu, chi phí dịch vụ tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh.
Năm 2022, sản lượng sản xuất rượu của Halico đạt 103,7% so với kế hoạch năm và bằng 100,75% so với thực hiện năm 2021. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ rượu nội địa năm 2022 đạt 83% kế hoạch năm và bằng 91,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu tiêu thụ rượu nội địa năm 2022 đạt 89,4% kế hoạch năm và bằng 102,27% so với cùng kỳ. Với tình hình tiêu thụ gặp khó khăn nên Halico lỗ 16,63 tỷ đồng.
Khoản lỗ của Halico tiếp tục kéo dài, trong quý I/2023, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 30,2 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 30,9 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của Halico âm hơn 1,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái khoản lỗ này âm gần 3,6 tỷ đồng. Như vậy, tính từ quý II/2017, Halico ghi nhận chuỗi 24 quý liên tiếp có lợi nhuận âm.
Năm 2023, công ty lên kế hoạch doanh thu thuần hơn 126 tỷ đồng, tăng 14% so với thực hiện 2022. Halico đặt mục tiêu lỗ trước thuế đạt 15 tỷ đồng, giảm so với khoản lỗ gần 17 tỷ trong năm 2022.
Tương tự, thương hiệu “vang bóng một thời” Vang Thăng Long cũng không đủ sức cạnh tranh với ngoại nhập. Theo Báo cáo tài chính quý I/2023 của CTCP Vang Thăng Long (VTL), doanh thu thuần hơn 3,5 tỷ đồng, giảm hơn 87% so với cùng kỳ; lỗ gần 4 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 66,9 tỷ đồng.
Tính tới 31/3/2023, tổng tài sản của công ty là gần 95 tỷ đồng; trong đó, 36,8 tỷ đồng là tài sản dài hạn, chủ yếu là tài sản cố định và các khoản phải thu. Tài sản ngắn hạn có 58 tỷ đồng nhưng tiền và tương đương tiền chỉ có 3,4 tỷ đồng, trong khi có tới 30 tỷ đồng là hàng tồn kho và 24,3 tỷ đồng là phải thu ngắn hạn.
Năm 2022, Công ty cũng báo lỗ 35,7 tỷ đồng và lỗ lũy kế 62,7 tỷ đồng (âm vốn chủ sở hữu 12,2 tỷ đồng).
Vang Thăng Long tiền thân là Xí nghiệp Nước giải khát Thăng Long. Tháng 1/2005, công ty đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn HNX. Vốn điều lệ lúc đó là 18 tỷ đồng, trong đó cổ đông Nhà nước sở hữu 40%.
Giai đoạn 2006 – 2010 là giai đoạn đỉnh cao của Vang Thăng Long với doanh thu tăng trưởng đều qua các năm, duy trì ở mức trên dưới 70 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ở mức 5 – 6 tỷ đồng. Mấy năm gần đây, Vang Thăng Long đều kinh doanh giảm sút.
Mới đây, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội đã đưa cổ phiếu VTL của Vang Thăng Long vào diện hạn chế giao dịch từ 31/5, nguyên nhân do vốn sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Trên thị trường, giá cổ phiếu VTL đang dừng ở mức 12.300 đồng/cổ phiếu tại ngày 1/6.
Để vượt qua những khó khăn, ông Vũ Thanh Sơn, Chủ tịch HĐQT cho biết, trong năm nay, doanh nghiệp tiếp tục tái cơ cấu đảm bảo phù hợp với thực tế và đáp ứng yêu của của hoạt động sản xuất kinh doanh. Lãnh đạo công ty tìm kiếm các đối tác cung cấp và tiêu thụ sản phẩm công ty sản xuất và nhập khẩu, đặc biệt là các loại vang nhập khẩu.