Bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe, bạn đọc còn có thể xem thêm các bài viết: Đang nắng chang chang rồi mưa, nên làm gì để không mắc bệnh?; Dấu hiệu cảnh báo bệnh tim xuất hiện trên da; Điều gì xảy ra khi bạn ở trong phòng máy lạnh quá lâu?…
Vì sao mất nước ngày nắng nóng có thể gây cục máu đông?
Những ngày hè nắng nóng khiến cơ thể dễ bị say nắng, đổ nhiều mồ hôi và gây mất nước. Mất nước nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm, thậm chí hình thành cục máu đông đe dọa tính mạng.
Mất nước là tình trạng mà lượng nước và khoáng chất như kali, natri, trong cơ thể bị sụt giảm nghiêm trọng xuống dưới mức cân bằng. Với những người khỏe mạnh, trong điều kiện bình thường, cơ thể sẽ bài tiết nước qua mồ hôi, nước mắt, hơi thở, nước tiểu và phân. Lượng nước này sớm được bổ sung bằng cách uống hoặc ăn món có chứa nước.
Với những người đang có bệnh thì tiêu chảy, nôn mửa là những triệu chứng khiến cơ thể rất dễ rơi vào trạng thái mất nước. Trẻ em và người trên 60 tuổi là nhóm có nguy cơ cao bị mất nước.
Các triệu chứng thường gặp của mất nước là khát nước, đi tiểu ít, khô da, mệt mỏi, chóng mặt, khô miệng, tăng nhịp tim, má và mắt trũng. Chưa dừng lại ở đó, các chuyên gia y tế cảnh báo mất nước nghiêm trọng còn khiến cơ thể dễ mắc các bệnh thần kinh hiếm gặp liên quan đến nhiệt độ quá nóng như huyết khối tĩnh mạch não. Bệnh khiến hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch chính của não. Bạn đọc có thể xem thêm nội dung bài viết này trên trang sức khỏe ngày 24.5.
Đang nắng chang chang rồi mưa, nên làm gì để không mắc bệnh?
Thay đổi thời tiết, như đang nắng chang chang rồi mưa, có thể khiến mọi người dễ mắc bệnh.
Theo giải thích của bác sĩ Vikash Modi trong một bài báo được xuất bản bởi hệ thống y tế Piedmont (Ấn Độ), cơ thể mọi người đã quen với môi trường khí hậu nhất định và khi thời tiết thay đổi đột ngột, cơ thể phải cố gắng thích nghi. Nhưng đôi khi cơ thể gặp khó khăn trong việc điều chỉnh nên có thể gây ra bệnh.
Nhiều chuyên gia y tế giải thích rằng: Bản thân thời tiết không phải là nguyên nhân khiến mọi người bị bệnh, mà sự thay đổi này tạo ra môi trường thuận lợi để mầm bệnh và virus gây bệnh phát triển.
Trang tin y tế Narayana Health cho biết hằng năm, hầu hết người lớn bị cảm cúm 2 – 4 lần và và trẻ em 5 – 7 lần, và những lần mắc bệnh này gần như trùng khớp với số lần thay đổi thời tiết trong năm. Hệ thống miễn dịch bị ảnh hưởng khi thời tiết và nhiệt độ thay đổi đột ngột, và đây có lẽ là lý do gây ra cảm lạnh, ho và đau đầu. Nội dung tiếp theo của bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 24.5.
Dấu hiệu cảnh báo bệnh tim xuất hiện trên da
Có nhiều triệu chứng cảnh báo vấn đề bất thường về tim mạch ở người bệnh, từ khó thở, nhịp tim nhanh, chán ăn đến cảm giác mệt mỏi. Không những vậy, dấu hiệu cảnh báo bệnh tim còn xuất hiện trên da.
Một số bất thường trên cơ thể của bệnh nhân tim mạch sẽ biểu hiện trên da. Đó là lý do vì sao nhiều trường hợp bác sĩ da liễu là bác sĩ đầu tiên phát hiện bệnh nhân có bất ổn về tim.
Cần đi khám càng sớm càng tốt nếu người bệnh thấy các dấu hiệu sau:
Da xanh hoặc tím tái. Đây là biểu hiện của tình trạng tắc nghẽn mạch máu. Vì mạch máu bị tắc nghẽn nên máu sẽ không thể lưu thông bình thường. Hệ quả là khiến da bị lạnh, thiếu ô xy và chuyển sang màu xanh hoặc tái.
Nếu máu lưu thông kém đến một bộ phần nào đó, chẳng hạn ngón tay hay bàn chân, thì cần phải sớm can thiệp. Vì nếu kéo dài, tình trạng tắc nghẽn lưu thông máu, thiếu ô xy có thể khiến da và mô ở khu vực đó chết dần, theo Viện Hàn lâm da liễu Mỹ (AAD). Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này bạn nhé!