Dư luận Quảng Trị vừa qua khá sốc trước thông tin dự án điện gió Amacao Quảng Trị 1 (tổng đầu tư 2.000 tỉ đồng, có 12 trụ điện gió) do Công ty CP Điện gió Khe Sanh sở hữu đang xin ý kiến của tỉnh để bán 50% cổ phần cho 2 công ty nước ngoài là CNNC Overseas International Investment Limited (trụ sở tại Hồng Kông) và Công ty TNHH Công trình đối ngoại Zhongyuan Trung Quốc (đặt tại Bắc Kinh). Việc mua bán là bình thường nhưng điều dư luận quan tâm là dự án điện gió này nằm ở khu vực đồi núi biên giới Việt – Lào với tổng diện tích 22 ha.
Trả lời Thanh Niên, ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết đã yêu cầu Sở KH-ĐT tham mưu văn bản, gửi cho Bộ Công an và Bộ Quốc phòng xin ý kiến về vấn đề trên. Hiện địa phương vẫn chưa nhận được câu trả lời của 2 bộ. Thương vụ nói trên dễ gây xôn xao bởi về diện tích, dự án vắt qua 3 xã, 1 thị trấn ở vùng biên. Công tác quản lý địa bàn, vì thế, cũng sẽ gặp nhiều khó khăn…
Cũng ở H.Hướng Hóa, còn có 2 nhà máy điện gió khác đang xin ý kiến tỉnh Quảng Trị để chuyển nhượng cổ phần cho những nhà đầu tư đến từ Singapore. Nhiều ý kiến cho rằng câu chuyện mua bán này nếu được đồng ý sẽ không chỉ gây ra những mối quan ngại như đã đề cập, mà còn tạo nên tiền lệ đáng quan tâm. Tiền lệ về việc các cá nhân, tổ chức xây dựng nhà máy (không riêng gì dự án điện gió) rồi chuyển nhượng lại cho đối tác nước ngoài. Vậy nên, tại thời điểm này, cần sự phân tích đầy đủ và quan điểm rõ ràng của các bộ ngành, địa phương.
Còn về lâu dài, nên chăng, đối với những dự án xây dựng ở vùng biên, nơi phên dậu của đất nước có ảnh hưởng lớn đến quốc phòng, an ninh quốc gia, ngay từ đầu chính quyền cần yêu cầu nhà đầu tư có những cam kết, ràng buộc trong chuyển nhượng, mua bán cổ phần với những đối tác nước ngoài.