Bộ Công Thương vừa có văn bản yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN xây dựng phương án giá bán lẻ điện bình quân gắn với điều hành giá bán lẻ điện, thực hiện theo quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Theo đó, EVN được yêu cầu hoàn thành báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023, báo cáo tài chính năm 2023 của công ty mẹ – EVN và các đơn vị thành viên. Các báo cáo trên đều phải được kiểm toán độc lập tại những đơn vị có uy tín, trước khi gửi Bộ Công Thương để kiểm tra và công bố công khai.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, EVN tính toán phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2024 để báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Theo Bộ Công Thương, giá bán điện cần được xây dựng trên cơ sở kế hoạch cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia của năm 2024, chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và năm 2023.
Các chi phí dự kiến của năm 2024 trong tất cả các khâu phát điện, truyền tải, phân phối và bán lẻ điện, điều hành quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện… phải được tính đúng, tính đủ.
Đặc biệt là các chi phí liên quan đến khoản chênh lệch tỉ giá trong hợp đồng mua bán điện nhưng chưa được tính toán, thanh toán vào phương án giá năm 2024 cũng được yêu cầu phải xem là một trong những chi phí giá thành điện.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo giá vào đầu năm 2024, Bộ Công Thương kiến nghị điều chỉnh giá điện trong năm nay, để phản ánh biến động các chi phí đầu vào và giúp EVN có nguồn lực thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện.
PGS. TS Phan Thế Công (Đại học Thương mại) cho biết, áp lực tăng chi phí sản xuất, giá bán hàng hóa hiện vẫn chịu ảnh hưởng từ đợt điều chỉnh giá điện năm ngoái.
Bên cạnh đó, ông cho rằng, nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng cao do thời tiết cực đoan, đẩy chỉ số giá điện sinh hoạt tăng và tạo áp lực khá lớn cho lạm phát.
Vì thế, các cơ quan quản lý cần tính toán liều lượng, thời điểm điều chỉnh phù hợp nhằm đảm bảo lợi ích Nhà nước – doanh nghiệp và người dân.
GS. TS Võ Đại Lược – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị cho Lao Động biết, việc tăng giá điện là cần thiết để bù đắp lỗ, nhưng EVN cần công khai, minh bạch trong giá mua, bán điện, kết quả kinh doanh để không ảnh hưởng tới tâm lý người dân.
Về mức tăng giá điện, theo GS Võ Đại Lược, mức tăng giá điện nên dưới 5% thuộc thẩm quyền điều chỉnh của EVN. Mức tăng này vừa đủ để EVN giải quyết được tình trạng lỗ luỹ kế, vừa tránh ảnh hưởng rộng đến người dân.
Về thời điểm tăng giá điện, ông Lược cho biết, tuyệt đối không tăng giá điện vào mùa nắng nóng (từ tháng 5 đến tháng 7) để tránh hoá đơn tiền điện tăng sốc, gây bức xúc cho khách hàng, nên tăng giá điện vào tháng 10 năm nay.
Năm 2023, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng 7,5%, lên 2.092,78 đồng/kWh, sau khi được cơ quan quản lý điều chỉnh hai lần vào tháng 5 và 11.
Cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện đang theo Quyết định 24/2017, trong đó, thời gian giữa hai lần điều chỉnh là 6 tháng nếu rà soát, kiểm tra các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên.