Chiều 30/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Dữ liệu với 451/458 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94,15%).
Trước khi thông qua Luật, ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội đã giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dữ liệu.
Theo ông Tới, về chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, có một số ý kiến đề nghị xác định rõ loại dữ liệu bị cấm hoặc bị hạn chế chuyển ra nước ngoài, quy trình chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cũng như trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố trong việc truyền dữ liệu này. Đề nghị nghiên cứu để có sự phân loại các loại dữ liệu, có loại trừ đối với dữ liệu của các doanh nghiệp nước ngoài để bảo đảm tính khả thi của điều luật.
Trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, rà soát và chỉnh lý tên Điều này thành: “Chuyển, xử lý dữ liệu xuyên biên giới” để bảo đảm tính bao quát và bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 23 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý theo hướng: “ Cơ quan, tổ chức, cá nhân được tự do chuyển dữ liệu từ nước ngoài về Việt Nam, xử lý dữ liệu của nước ngoài tại Việt Nam, được nhà nước bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật”; đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung Điều này.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây là nội dung mới, phức tạp, cần tiếp tục đánh giá trong quá trình thi hành Luật. Để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và bảo đảm linh hoạt trong quá trình quản lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ quy định những nội dung cơ bản mang tính nguyên tắc trong dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Luật Dữ liệu được Quốc hội thông qua cho thấy, tại Điều 23 của Luật quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân được tự do chuyển dữ liệu từ nước ngoài về Việt Nam, xử lý dữ liệu của nước ngoài tại Việt Nam, được nhà nước bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật. Việc chuyển dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng ra nước ngoài bao gồm: a) Chuyển dữ liệu đang lưu trữ tại Việt Nam tới hệ thống lưu trữ dữ liệu đặt ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam chuyển dữ liệu cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; c) Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam sử dụng nền tảng xử lý ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để xử lý dữ liệu.
Luật cũng quy định: Việc chuyển, xử lý dữ liệu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu, chủ sở hữu dữ liệu theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Và Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Nguồn: https://daidoanket.vn/co-quan-to-chuc-ca-nhan-duoc-tu-do-chuyen-du-lieu-tu-nuoc-ngoai-ve-viet-nam-10295608.html