Tăng cường phân cấp gắn với thanh tra, kiểm soát hoạt động kiểm định
Theo dự thảo Thông tư quy định trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại, tạm đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới của cơ sở đăng kiểm xe cơ giới, Bộ GTVT đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý.
Thay vì Cục Đăng kiểm VN, Sở GTVT sẽ là cơ quan có trách nhiệm trong việc kiểm tra đánh giá cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới của các cơ sở đăng kiểm.
Theo Cục Đăng kiểm VN, đề xuất trên phù hợp với chủ trương phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực đăng kiểm.
Một chuyên gia giao thông vận tải cho biết, việc phân cấp theo dự thảo Thông tư cũng phù hợp với Nghị định về dịch vụ kiểm định xe cơ giới hiện hành. Mặt khác, việc phân cấp mạnh mẽ giúp nêu cao vai trò quản lý của các Sở GTVT.
“Là cơ quan quản lý hoạt động về GTVT trên địa bàn, Sở GTVT nắm rõ quy mô phương tiện, khả năng gia tăng mỗi giai đoạn. Khi một doanh nghiệp muốn mở cơ sở đăng kiểm, Sở GTVT địa phương sẽ có trách nhiệm trong việc rà soát, xem xét việc có cần thiết mở thêm trên địa bàn đó hay không, vị trí đặt cơ sở đăng kiểm có phù hợp không, để đảm bảo các cơ sở hoạt động, cạnh tranh lành mạnh, cùng phát triển”, vị chuyên gia này nói.
Song song với phân cấp, dự thảo Thông tư còn quy định về thanh tra, kiểm tra hoạt động kiểm định xe cơ giới.
Theo đó, Bộ GTVT đề xuất Cục Đăng kiểm VN, Sở GTVT sẽ là 2 đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm tiến hành kiểm tra đột xuất đối với cơ sở đăng kiểm.
Đồng thời, dự thảo Thông tư quy định rõ 3 trường hợp cơ sở đăng kiểm sẽ bị kiểm tra đột xuất, bao gồm: Khi có phản ánh, khiếu nại có cơ sở về vi phạm trong hoạt động kiểm định; có văn bản yêu cầu của các cơ quan chức năng hoặc khi phát hiện có dấu hiệu bất thường trong hoạt động kiểm định (thông qua hệ thống giám sát, phân tích cơ sở dữ liệu kiểm định).
Để kiểm tra, đánh giá lại kết quả kiểm định, dự thảo quy định, trường hợp phương tiện đang có tại cơ sở đăng kiểm, chọn ngẫu nhiên trong số các phương tiện đã được cơ sở đăng kiểm kiểm định để thực hiện việc kiểm tra đánh giá lại, sau đó so sánh với kết quả kiểm tra trước đó của cơ sở đăng kiểm.
Trường hợp phương tiện không có tại cơ sở đăng kiểm, nếu phát hiện nghi vấn phương tiện tại thời điểm kiểm định có dấu hiệu sai khác với hồ sơ kiểm định nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận, tem kiểm định thì phối hợp với cơ quan chức năng tìm phương tiện để kiểm tra, đánh giá lại và so sánh với kết quả kiểm định trước đó của cơ sở đăng kiểm.
Việc kiểm tra, đánh giá lại được thực hiện tại nơi phương tiện đang dừng đỗ, tại cơ sở đăng kiểm khác hoặc đưa phương tiện quay trở lại cơ sở đăng kiểm để kiểm tra, đánh giá lại.
Trường hợp cơ sở đăng kiểm vi phạm các quy định về hoạt động kiểm định xe cơ giới thì cơ quan kiểm tra (Cục Đăng kiểm, Sở GTVT) xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật.
Theo chuyên gia giao thông, tại Nghị định 03/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/3/2024, Chính phủ đã quy định Cục Đăng kiểm là một trong những Cục, Tổng cục thuộc Bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Do đó, bên cạnh Sở GTVT, việc giao Cục Đăng kiểm có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra hoạt động kiểm định xe cơ giới là phù hợp, qua đó, tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt hoạt động lĩnh vực đăng kiểm.
Siết trách nhiệm cơ sở đăng kiểm vi phạm
Tại dự thảo Thông tư, Bộ GTVT cũng nghiêm cấm tổ chức thành lập cơ sở đăng kiểm can thiệp vào công tác kiểm định xe cơ giới của cơ sở đăng kiểm trực thuộc để làm trái các quy định của pháp luật.
Cơ sở đăng kiểm bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới chỉ được xem xét cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới sau 24 tháng kể từ ngày thu hồi, trừ trường hợp cơ sở đăng kiểm đề nghị ngừng hoạt động trên 12 tháng liên tục.
Đáng chú ý, Bộ GTVT đề xuất khi bị tạm đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới, lãnh đạo cơ sở đăng kiểm và đăng kiểm viên trực tiếp thực hiện việc kiểm định vẫn tiếp tục phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm định do cơ sở mình đã cấp ra còn hiệu lực.
Đồng thời, tổ chức, cá nhân có liên quan phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Cơ sở đăng kiểm phải thực hiện việc khắc phục các vi phạm nêu trong quyết định tạm đình chỉ và chỉ được hoạt động trở lại khi đã hoàn thành việc khắc phục vi phạm.
Xe chưa nộp phạt nguội bị từ chối đăng kiểm
Tại quy định về trách nhiệm cơ sở đăng kiểm, dự thảo Thông tư nêu rõ cơ sở đăng kiểm chưa thực hiện kiểm định đối với các trường hợp: Không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; Các trường hợp quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm được ghi trong biên bản vi phạm hành chính hoặc văn bản thông báo của người có thẩm quyền xử phạt mà chủ phương tiện, người vi phạm không đến trụ sở của người có thẩm quyền để giải quyết, xử lý; Các trường hợp bị cảnh báo trên Chương trình quản lý kiểm định.
Sau khi chủ phương tiện, người vi phạm thực hiện các nghĩa vụ nêu trên thì được kiểm định theo quy định.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/co-quan-nao-se-duoc-kiem-tra-dot-xuat-trung-tam-dang-kiem-192240915142145882.htm