Mở cửa phiên giao dịch cuối tuần 6-9, thị trường chứng khoán Việt Nam lình xình dưới mức tham chiếu, có thời điểm giảm mạnh xuống sát mốc 1.260 điểm. Tuy nhiên, đến phiên chiều, lực cầu tăng mạnh đã giúp thị trường lấy lại sắc xanh.
Kết phiên, VN-Index tăng 5,75 điểm, lên 1.273 điểm. Sàn HOSE có 192 mã tăng và 212 mã giảm.
Rổ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 tăng 6 điểm, đóng cửa tại 1.315 điểm. Trong nhóm, có 22 mã tăng giá như MSN (+2,6%), VRE (+2%)… Ngược lại, có 6 mã đóng cửa trong sắc đỏ, gồm SSB (-2,7%), VIC (-0,9%), HDB (-0,7%)…
Với diễn biến hồi phục cuối phiên của thị trường, khá nhiều nhóm cổ phiếu đã chuyển từ sắc đỏ sang sắc xanh nhưng mức độ biến động vẫn còn khá hẹp. Cổ phiếu dầu khí, thép, thực phẩm, công nghệ… là những nhóm hỗ trợ cho thị trường.
Trong phiên giao dịch 6-9, cổ phiếu VNZ của Công ty CP VNG đã gây sự chú ý đến nhà đầu tư khi giảm hết biên độ xuống 437.800 đồng/cổ phiếu.
Sang đến phiên chiều, đà giảm được thu hẹp và cổ phiếu VNZ đóng cửa ở mức 480.000 đồng/cổ phiếu, giảm 6,8% so với giá tham chiếu. Nếu so với đầu năm, cổ phiếu này giảm gần 24%.
Đáng chú ý, thanh khoản cổ phiếu VNZ cũng tăng mạnh đột biến với hơn 16.000 cổ phiếu khớp lệnh, tương đương giá trị giao dịch hơn 7 tỉ đồng.
Cổ phiếu VNZ chính thức giao dịch trên sàn UpCoM đầu năm 2023 với giá 240.000 đồng/cổ phiếu, rồi tăng giá kỷ lục lên tới 1,4 triệu đồng/cổ phiếu, sau đó liên tục đi xuống.
VNG từng có kế hoạch lên sàn chứng khoán Mỹ nhưng sau đó tuyên bố hoãn kế hoạch này.
Về tình hình kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2024, VNG đạt doanh thu thuần 4.314 tỉ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ. Sau khi trừ các chi phí, VNG báo lỗ sau thuế 585,7 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 1.205 tỉ đồng. Đáng chú ý, đây là quý lỗ thứ 11 liên tục của công ty này.
Tính đến cuối tháng 6-2024, danh mục tiền và các khoản tương đương tiền của VNG có giá trị khoảng 3.340 tỉ đồng, giảm gần 500 tỉ đồng so với cuối năm 2023, nguyên nhân chủ yếu đến từ tiền gửi ngân hàng.
VNG là đơn vị kinh doanh trò chơi điện tử, cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng lớn ở Việt Nam. Đơn vị này nổi tiếng khi phát hành các tựa game nổi tiếng một thời như Võ Lâm Truyền Kỳ, Kiếm Thế…
Ngoài ra, VNG còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực công nghệ khác như lập trình máy vi tính, sản xuất phần mềm, quảng cáo thương mại…
Đặc biệt, VNG còn là chủ nền tảng Zalo – ứng dụng nhắn tin, gọi điện phổ biến nhất ở Việt Nam, ứng dụng ví điện tử ZaloPay, đồng thời lấn sân sang lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Nguồn: https://nld.com.vn/co-phieu-vnz-cua-cong-ty-cp-vng-lao-doc-manh-196240906181408801.htm