Sự tích cực lan tỏa trong phiên đầu tuần giúp nhiều cổ phiếu duy trì sắc xanh tích cực trong bối cảnh thanh khoản tiếp tục hồi phục. Một trong những mã nổi bật trong phiên 19/8 là PNJ của CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận khi tăng kịch trần lên 104.900 đồng/cổ phiếu từ sớm.
Qua đó, đưa vốn hóa của PNJ cao nhất lịch sử lên 35.095 tỷ đồng (cao hơn 23% so với hồi đầu năm). Mã này cũng trắng bên bán và dư mua gần 1,8 triệu đơn vị.
Cùng với đà tăng, khối lượng khớp lệnh cũng cao kỷ lục ở mức gần 5 triệu đơn vị (kỷ lục gần nhất là 4,3 triệu đơn vị), trong khi đó khối lượng giao dịch trung bình trước đó chỉ khoảng 1,2 triệu đơn vị/ngày.
Đà tăng này diễn ra ít ngày trước khi PNJ công bố kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm 2024. Trước đó, công ty công bố kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm với nhiều chỉ tiêu tích cực.
Cụ thể, trong quý II/2024 doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 42,8% so với cùng kỳ năm trước lên gần 9.519 tỷ đồng. Giá vốn bán hàng của công ty cũng tăng 47,4% so với cùng kỳ lên 8.038 tỷ đồng đã phần nào làm thu hẹp sự tăng trưởng lợi nhuận gộp của PNJ.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của PNJ giảm mạnh 4,5 lần so với quý II/2023 xuống còn 8 tỷ đồng. Chủ yếu do lãi tiền gửi giảm từ gần 27 tỷ đồng năm trước xuống còn 3,8 tỷ đồng.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, tại thời điểm ngày 30/6, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn là tiền gửi tại các ngân hàng của PNJ giảm mạnh từ 810 tỷ đồng xuống 170 triệu đồng.
Kết thúc quý II/2024, PNJ báo lãi sau thuế gần 429 tỷ đồng, tăng 26,9% so với quý II/2023.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, PNJ thu về khoản doanh thu thuần 22.308 tỷ đồng, tăng 34%. Công ty báo lãi ròng sau thuế 1.167 tỷ đồng, tăng 53% so với 6 tháng đầu năm 2023.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2023, PNJ ghi nhận tổng tài sản 12.964 tỷ đồng, giảm 10% so với hồi đầu năm. Phần lớn do sự sụt giảm của khoản đầu tư tài chính ngắn hạn.
Về khoản đầu tư tài chính dài hạn, điểm đáng lưu ý là khoản tiền 395 tỷ đồng đang “mắc kẹt” trong thời gian dài.
Cụ thể, PNJ đầu tư góp vốn 395 tỷ đồng vào Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank), nắm giữ 38,4 triệu cổ phiếu EAB, tương ứng tỉ lệ sở hữu 7,69%. Công ty cũng trích lập hơn 395 tỷ đồng dự phòng đầu tư cho khoản trên.
Tại ngày 30/6/2023, DongABank vẫn trong diện kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước và cổ phiếu EAB không được phép chuyển nhượng.
Công ty cũng còn 1.900 tỷ đồng hàng tồn kho đang được sử dụng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay ngắn hạn tại các ngân hàng thương mại.
Thời điểm cuối quý II/2024, dư nợ vay nhiều nhất của PNJ là tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Hóc Môn với 120 tỷ đồng, lãi suất 4%.
Phía bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của PNJ giảm 51% so với đầu năm xuống còn 2.240 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn.
Khoản vay và nợ thuê tài chính của công ty đã giảm mạnh từ 2.384 tỷ đồng xuống gần 260 tỷ đồng do vay từ ngân hàng thương mại giảm 89% so với đầu năm xuống 153 tỷ đồng.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/co-phieu-pnj-tang-tran-vuot-dinh-lich-su-204240819150604792.htm