Chuỗi 7 phiên liên tiếp không giảm đưa thị giá cổ phiếu Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) từ vùng 21.500 đồng lên 24.000 đồng, xác lập vùng đỉnh kể từ tháng 4/2022 đến nay.
Cổ phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) chốt phiên giao dịch đầu tuần này tại 24.000 đồng, tăng 2,13% so với tham chiếu và nối dài mạch 7 phiên không giảm liên tiếp. Đây là vùng giá cao nhất của cổ phiếu này trong 26 tháng trở lại đây, tức kể từ tháng 4/2022.
Tính riêng so với vùng giá đầu năm, thị giá HSG đã tăng 10%. Với gần 616 triệu cổ phiếu đang niêm yết, vốn hoá thị trường của doanh nghiệp này theo đó cũng tăng lên 14.783 tỷ đồng.
Không chỉ biến động mạnh về thị giá, thanh khoản của HSG cũng cải thiện đáng kể trong phiên đầu tuần. Mã này ghi nhận hơn 17,4 triệu cổ phiếu được sang tay thành công, tương ứng giá trị giao dịch 413 tỷ đồng, gần gấp đôi so với phiên cuối tuần trước.
Đà tăng của HSG đồng thuận với diễn biến của nhiều cổ phiếu ngành thép khác. Điển hình như NKG cũng tăng hơn 3% trong phiên 10/6 để lên vùng 26.500 đồng, còn TLH tăng 1,1% lên 8.000 đồng. Trong khi đó, cổ phiếu đầu ngành là HPG đảo chiều từ giảm thành tăng trước khi thu hẹp biên độ và đóng cửa tại tham chiếu 29.300 đồng.
Đồ thị giá và thanh khoản HSG từ 2022 đến nay. |
Trong báo cáo phân tích cách đây 1 tháng, Công ty Chứng khoán BSC duy trì khuyến nghị mua HSG với giá trị hợp lý cho cuối năm nay và đầu năm sau là 28.350 đồng. Theo nhóm phân tích này, giai đoạn hiện tại là thời điểm tương đối hợp lý để mua cổ phiếu HSG bởi thời điểm xấu nhất của ngành thép đã qua và công ty sở hữu chiến lược quản trị hàng tồn kho tốt cũng như thị phần đầu ngành tôn mạ.
Còn theo báo cáo phân tích mới công bố cách đây 1 tuần, nhóm chuyên gia của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam khuyến nghị nhà đầu tư mua cổ phiếu HSG với giá mục tiêu 27.400 đồng, tương ứng tỷ suất lợi nhuận kỳ vông 23% so với giá đóng cửa ngày 3/6.
Theo KB Việt Nam, HSG sẽ được hưởng lợi nhiều nhất trong trường hợp biện pháp chống bán phá giá thép mạ nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc được áp dụng nhờ thị phần số 1 và số 2 trong mảng tôn mạ (28,4%) và thép ống (12,4%). Bên cạnh đó, sản lượng tiêu thụ nội địa đang có dấu hiệu hồi phục khi tiêu thụ tôn mạ và thép ống cũng lần lượt tăng 29% và 28% so với tháng trước. Tiêu thụ nội địa kỳ vọng sẽ hồi phục mạnh trong nửa cuối năm nay nhờ lĩnh vực bất động sản dân dụng dần hồi phục, kéo theo các dự án mới được triển khai sẽ kích thích nhu cầu thép trong nước.
Về hoạt động kinh doanh, trong quý II niên độ tài chính 2023 – 2024 (từ ngày 1/1/2024 đến ngày 31/3/2024), Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 9.248 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 319 tỷ đồng, lần lượt tăng tăng 32,5% và 27,3% so với cùng kỳ. Luỹ kế 6 tháng đầu niên độ, công ty ghi nhận doanh thu hơn 18.321 tỷ đồng, tăng 23%. Lợi nhuận sau thuế có bước chuyển lớn khi cùng kỳ lỗ 424 tỷ đồng đã sang lãi 422 tỷ đồng.
Niên độ 2023-2024, Hoa Sen đặt kế hoạch kinh doanh với hai kịch bản. Cụ thể, kịch bản 1 có mục tiêu sản lượng tiêu thụ 1.625 nghìn tấn, tăng 13,3% so với cùng kỳ. Doanh thu dự kiến 34.000 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 400 tỷ đồng, tăng hơn 12 lần so với niên độ trước.
Kịch bản 2 có mục tiêu tổng sản lượng tiêu thụ ước tính 1.730 nghìn tấn, tăng 20,7% so với cùng kỳ. Doanh thu dự kiến đạt 36.000ty3 đồng, tăng gần 14% và lãi sau thuế dự kiến lên 500 tỷ đồng, tăng hơn 15 lần so với niên độ trước.
Nguồn: https://baodautu.vn/co-phieu-cong-ty-co-phan-tap-doan-hoa-sen-lap-dinh-2-nam-d217335.html