Cổ phiếu công ty bến xe giá gần 400.000 đồng, đắt đỏ nhất sàn chứng khoán

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ18/02/2025

Mã WCS của Công ty cổ phần Bến xe Miền Tây tăng tích cực trong phiên đầu tuần, đẩy thị giá lên sát 400.000 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là cổ phiếu đắt đỏ nhất sàn chứng khoán Việt Nam.


Cổ phiếu công ty bến xe giá gần 400.000 đồng, đắt đỏ nhất sàn chứng khoán - Ảnh 1.

Bất chấp chỉ số đi ngang, nhiều cổ phiếu vẫn "âm thầm" tăng giá sốc - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Để đủ một lần đặt lệnh với lô 100 cổ phiếu WCS, nhà đầu tư cần bỏ ra khoảng 39 triệu đồng, tương đương 4 chỉ vàng.

Lộ diện cổ phiếu đắt nhất sàn

Do điều chỉnh từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, VN-Index phiên ngày 17-2 đã giảm gần 4 điểm. Nhưng nếu tính chung cả 3 sàn, số lượng cổ phiếu tăng giá là 430 mã, vẫn áp đảo so với 320 mã giảm giá.

Thực tế bất chấp chỉ số đi ngang, nhiều mã vốn hóa lớn "chật vật", loạt cổ phiếu nhỏ và vừa vẫn "âm thầm" tăng giá.

Trong đó, đáng chú ý có đà đi lên mã WCS của Công ty cổ phần Bến xe Miền Tây. Mã này tăng thêm gần 7%, lên vùng giá 390.000 đồng/cổ phiếu khi khép phiên đầu tuần.

Hiệu suất của WCS khá tích cực khi sau 1 tháng đã tăng gần 30% và sau 1 năm tăng giá khoảng 115%.

Đà tăng nêu trên đã đưa WCS trở thành cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Hiện vốn hóa trên thị trường chứng khoán của WCS lên gần 1.000 tỉ đồng.

Nhìn sang "vua" thị giá một thời là VNZ của Công ty cổ phần VNG hôm nay đã trở lại xanh nhẹ sau 3 phiên giảm liên tiếp. Dù vậy thị giá vẫn chỉ gần 360.000 đồng - kém WCS.

Về Công ty cổ phần Bến xe Miền Tây, đây là một doanh nghiệp có lịch sử hoạt động từ những năm 1970. Theo báo cáo thường niên năm 2023, vốn điều lệ của WCS là 25 tỉ đồng, trong đó phần vốn sở hữu nhà nước 51%, các cổ đông lớn là Công ty cổ phần đầu tư Thái Bình, America LLC...

Về tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính tự lập mới công bố của WCS ghi nhận doanh thu năm 2024 đạt hơn 158 tỉ đồng, tăng 13% so với năm trước. Điểm tích cực trong bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp này là giá vốn thấp, chỉ chiếm 39% tổng doanh thu.

Thêm nữa lại không tốn bất kỳ đồng chi phí lãi vay hay tài chính khác, lợi nhuận thuần từ hoạt động khá tích cực.

Sau khi trừ chi phí quản lý doanh nghiệp và các loại thuế, WCS lãi ròng 75,5 tỉ đồng, tăng 14%. Với biên lợi nhuận ròng gần 48%, đây là mức "ước mơ" của nhiều doanh nghiệp khác.

Nhiều cổ phiếu nghe "lạ" nhưng rất đắt

Ngoài WCS, trên thị trường chứng khoán xuất hiện nhiều cổ phiếu sau thời gian "miệt mài" tăng giá, đã vượt mốc 300.000 đồng/cổ phiếu.

Trong đó, mã KSV Tổng công ty Khoáng sản TKV (Vimico) tiếp tục trải qua một phiên tăng mạnh (+6%) sau khi có 2 phiên trần liên tiếp. Kết phiên ngày 17-2, thị giá của KSV đã lên gần 300.000 đồng mỗi cổ phiếu.

Dữ liệu cho thấy KSV đã tăng một mạch hơn 100% sau 1 tháng trở lại đây và gần 1.000% sau một năm - mức tăng hiếm có trên thị trường chứng khoán. Theo đó, vốn hóa của doanh nghiệp này cũng áp sát mốc 60.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên theo báo cáo thường niên năm 2023, Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) nắm tới 98,06% vốn KSV, tương ứng hơn 196,1 triệu cổ phiếu.

Do vậy dù thị giá tăng mạnh, song với cơ cấu cổ đông cô đặc như trên, sẽ không có nhiều nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán được hưởng lợi.

Trong khi mã HGM sau khi tăng thêm gần 4% phiên hôm nay, thị giá đã ở mức 372.000 đồng/cổ phiếu. Tính chung 1 năm trở lại đây, cổ phiếu HGM đã tăng khoảng 700%, đưa vốn hóa của HGM cũng lên tới gần 4.700 tỉ đồng.

Cả KSV hay HGM đều nằm trong nhóm cổ phiếu khoáng sản được hưởng lợi sau động thái hạn chế xuất khẩu khoáng sản từ Trung Quốc.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán còn ghi nhận một số mã có thị giá vượt mốc 300.000 đồng như: HLB của CTCP Bia và Nước giải khát Hạ Long (315.000 đồng), CMF của CTCP Thực phẩm Cholimex (320.000 đồng)…

Đọc tiếp Về trang Chủ đề


Nguồn: https://tuoitre.vn/co-phieu-cong-ty-ben-xe-gia-gan-400-000-dong-dat-do-nhat-san-chung-khoan-20250217170625339.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng tác giả

No videos available