Thạc sĩ, bác sĩ Lê Ngô Minh Như (Phòng khám Tai mũi họng mắt, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3), trả lời: Đau mắt đỏ (viêm kết mạc mắt) là một tình trạng phổ biến có đặc điểm là mắt đỏ, ngứa và viêm. Mặc dù tình trạng này thường không nghiêm trọng nhưng dinh dưỡng hợp lý có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình phục hồi nhanh chóng và giảm bớt sự khó chịu trong giai đoạn bị bệnh này.
Rau muống là loại rau thân rỗng chứa nhiều protid, lipid, chất khoáng, caroten, vitamin B, C. Hiện vẫn chưa có bằng chứng chứng minh việc sử dụng rau muống làm gia tăng chảy ghèn khi đau mắt đỏ. Tuy nhiên, rau muống có tính mát nên những người đang mệt mỏi hạn chế ăn; với người bình thường nên dùng với lượng vừa đủ vì có thể gây đầy bụng khó tiêu khi ăn quá nhiều.
Hải sản (tôm, cua, sò, mực, ốc,…) là nhóm thực phẩm có chứa nhiều chất dinh dưỡng nhưng đồng thời cũng có nhiều chất kích ứng dễ gây dị ứng cơ thể nói chung và nhóm đau mắt đỏ dị ứng nói riêng. Vì vậy bệnh nhân đau mắt đỏ phải kiêng các đồ ăn tanh nếu không muốn tình trạng nhiễm trùng tại kết mạc trở nên nghiêm trọng hơn, kéo dài thời gian hồi phục.
Nếu bạn bị viêm, đau, chảy nước mắt, ngứa hoặc nhạy cảm với ánh sáng, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để điều trị.
Một số phương pháp giúp khắc phục tình trạng bệnh đi kèm với điều trị:
- Chườm ấm lên mắt: Chườm nhẹ bằng khăn ướt, ấm lên mắt có thể giúp giảm ngứa và khó chịu. Chườm lạnh trong các trường hợp mắt phù nề sưng tấy đỏ.
- Tránh dụi hoặc chạm vào mắt: Điều quan trọng là hạn chế lượng vi khuẩn xâm nhập gần mắt bằng cách tránh mọi hình thức tiếp xúc.
- Vệ sinh và thay vỏ gối thường xuyên.
- Hạn chế trang điểm: Đặc biệt là mascara và bút kẻ mắt khi mắt đang bị viêm.
- Rửa tay thường xuyên: Điều này giúp giảm nguy cơ lây nhiễm sang người khác.
- Tránh tiếp xúc những người đang bị viêm kết mạc: Bệnh này rất dễ lây lan trong giai đoạn hoạt động nên bạn tránh tiếp xúc với bệnh nhân viêm kết mạc.
- Đeo kính râm: khi ra ngoài, hãy đeo kính râm vì ánh nắng mặt trời có thể khiến tình trạng nhiễm trùng nặng hơn.
- Dinh dưỡng: Bổ sung thực phẩm chứa nhiều vitamin A, C, axit béo omega-3, rau xanh và trái cây mọng nước (cam, chanh, quýt, việt quất, dâu tây, mâm xôi,…) để tăng cường sức đề kháng, giảm viêm, thúc đẩy quá trình lành vết thương.
- Một số thực phẩm cần hạn chế: Thức ăn mặn, cay, nhiều chất béo, chứa cồn hay caffein vì có thể khiến phù nề quanh mắt.