3 đợt thi, 1 điểm thi ngoài TP.HCM
Năm 2024, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt theo 3 đợt thi. Đáng chú ý, ngoài điểm thi tại trường như mọi năm, năm nay trường dự kiến mở rộng 1 điểm thi tại Long An.
Lịch thi cụ thể 3 đợt như sau:
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt được tổ chức gồm nhiều bài thi: toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn và tiếng Anh. Thí sinh được quyền lựa chọn ca thi và địa điểm thi phù hợp. Thí sinh thực hiện đăng ký dự thi, nộp lệ phí đăng ký theo hình thức trực tuyến và làm bài thi trên máy tính tại các điểm thi do trường tổ chức.
Đối tượng dự thi có thể là học sinh lớp 11, lớp 12 hoặc cá nhân có nguyện vọng tìm hiểu về kỳ thi, bài thi. Kết quả thi đánh giá năng lực chuyên biệt được bảo lưu để xét tuyển trong vòng 2 năm. Theo đó, các học sinh lớp 11 hoàn toàn có thể đăng ký dự thi để sử dụng kết quả xét tuyển cho năm sau đó.
Thí sinh có thể lựa chọn đăng ký một hoặc nhiều bài thi trong số các bài thi ở trên để đăng ký xét tuyển vào các ngành học có áp dụng phương thức tuyển sinh theo hình thức xét tuyển dựa trên đề án tuyển sinh của trường.
Cấu trúc mỗi bài thi sẽ khác nhau
Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ có cấu trúc bài thi với nhiều dạng câu hỏi khác nhau tùy theo từng nhóm bài thi.
Trong đó, các bài thi đánh giá năng lực toán học, vật lý học, hóa học, sinh học cùng có thời gian thi 90 phút. Mỗi bài thi sẽ gồm 50 câu hỏi, trong đó 35 câu trắc nghiệm khách quan có 4 lựa chọn và có một đáp án đúng duy nhất; 15 câu hỏi dạng trả lời ngắn, thí sinh tính toán và điền kết quả vào phần trả lời trên hệ thống.
Cũng làm bài trong thời gian 90 phút nhưng bài thi đánh giá năng lực ngữ văn có cấu trúc đề thi khác. Bài thi gồm 20 câu hỏi trắc nghiệm khách quan có 4 lựa chọn, trong đó có một đáp án đúng duy nhất; 1 bài viết luận chủ đề nghị luận xã hội. Đề bài được đặt ra theo định hướng mở với yêu cầu viết trong khoảng 600 từ, thí sinh làm bài trực tiếp trên hệ thống.
Riêng bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh có thời gian làm bài dài nhất, với 180 phút. Bài thi sử dụng dạng thức đánh giá năng lực tiếng Anh từ bậc 3 đến bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Bài thi có 4 phần, tương ứng với đủ cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết.
Kết quả bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt chỉ là 1 cột điểm xét tuyển
Các bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ được quy về thang điểm 10, điểm số được tính lẻ đến 0,1 điểm. Kết quả bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ được sử dụng để xét tuyển theo đề án tuyển sinh của trường theo phương thức kết hợp cả kết quả học tập THPT.
Điểm xét tuyển gồm điểm bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt nhân hệ số 2, cộng với điểm trung bình 6 học kỳ THPT của 2 môn còn lại theo tổ hợp xét tuyển.
Khi đó, thí sinh dự kiến xét tuyển vào ngành học nào thì sẽ đăng ký dự thi bài thi đánh giá năng lực tương ứng với ngành học đó. Ví dụ, thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm toán thì sẽ dự thi bài thi đánh giá năng lực toán. Thí sinh có thể xét tuyển vào ngành sư phạm toán bằng tổ hợp A00 (toán, lý, hóa), điểm xét tuyển được xác định như sau:
ĐXT = (2xĐToán + ĐLý+ ĐHóa ) x 0.75 + ĐUT
Trong đó:
ĐXT: điểm xét tuyển, được làm tròn đến hai chữ số thập phân;
ĐToán: điểm bài thi môn toán học được lấy từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt năm 2024 do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức;
ĐLý, ĐHóa: điểm trung bình 6 học kỳ ở THPT của hai môn vật lý, hóa học theo tổ hợp xét tuyển;
ĐUT: điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã công bố đề thi minh họa từng bài thi của kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt, thí sinh có thể tham khảo tại đây.