Ngồi đợi tôi ở chiếc bàn cạnh cửa sổ ngập tràn nắng thu là một người đàn ông có vóc dáng bé nhỏ, tác phong nhanh nhẹn và đôi mắt tinh anh. Đó là PGS-TS, nhà cổ nhân học, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường.

 “Tôi không muốn viết một ca khúc mang tính cổ động”

Trả lời câu hỏi “Nhạc sĩ đã nảy ra ý tưởng viết ca khúc Cây bằng lăng trong bão như thế nào?”, ông nói ngay: “Đêm mùng 7, rạng sáng 8/9, khu nhà tôi (phố Nguyễn Huy Tưởng, Hà Nội – PV) đã chứng kiến một cảnh tượng khủng khiếp: hàng cây đổ xuống, đè nặng lên đường dây điện khiến cả khu mất điện.

Chứng kiến sức tàn phá của cơn bão Yagi, tôi quyết tâm phải viết một bài hát về cơn bão mạnh nhất trong 30 năm gần đây quét qua Hà Nội. Tôi thắp nến, ngồi lặng bên đàn piano, cảm xúc trào dâng. Tôi không dự định viết một ca khúc mang tính cổ động, kêu gọi trợ giúp mà tôi muốn sáng tác một bài hát chạm đến trái tim người nghe. Điều đó thật không dễ dàng”.

video-embed-169">

Trong bài hát, hình ảnh cây bằng lăng xuất hiện xuyên suốt như một biểu tượng của cái đẹp, niềm tin và hy vọng. Đây cũng là loài cây quen thuộc với người dân Hà Nội, sắc tím gợi đến sự lãng mạn trong tình yêu: “Mối tình đầu dưới bóng bằng lăng…”. Ông sửa đi sửa lại bài hát cho thật ưng với ý nghĩ dù người nhạc sĩ không thể trực tiếp ra “mặt trận” nhưng có thể dùng âm nhạc động viên mọi người.

Nhạc sĩ Lân Cường bày tỏ: “Sau khi gửi bài hát đến mấy chục nhạc sĩ, bạn bè, tôi nhận được nhiều phản hồi tích cực. GS-TS, Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí nhận xét: ‘Bài hát nói về bão lụt nhưng không buồn mà đủ thức tỉnh, động lòng trắc ẩn về sự mất mát do thiên tai và đặc biệt là củng cố lòng tin tưởng rằng tất cả rồi sẽ qua, lạc quan mà sống với đời. Chất nhạc trữ tình hợp lý, không lên gân mà vẫn đánh thức được tình cảm con người'”.

z5870689525942_a5e1f0118093f1057d5e1bb195e7a8a4.jpg
PGS-TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường. Ảnh: Linh Đan

Chia sẻ cùng VietNamNet, nhạc sĩ Lân Cường cho biết rất tin tưởng người bạn thân thiết là NSND Phạm Ngọc Khôi nên mời ông đệm đàn cho Cây bằng lăng trong bão. NSND Phạm Ngọc Khôi là người đầu tiên được nghe ca khúc và góp nhiều ý kiến quý báu cho tác giả.

Ca sĩ Lê Anh Dũng cũng là cái tên mà nhạc sĩ nhắm đến ngay từ đầu bởi anh có giọng hát truyền cảm, không trưng trổ kỹ thuật nhưng dễ dàng tìm được sự đồng cảm của người nghe. Quá trình thu âm diễn ra chỉ trong 2 ngày bởi cả hai người đều “ngấm” ca khúc rất nhanh.

Mê nhạc, diễn kịch giỏi, vẽ đẹp nhưng cả đời gắn bó với những bộ xương

Khi PV nêu thắc mắc: “Có điều gì mâu thuẫn giữa công việc một nhà nghiên cứu, nhà khảo cổ cần đến sự chuẩn xác, chi tiết với tâm hồn bay bổng của người nghệ sĩ?”, PGS-TS Nguyễn Lân Cường cười tươi và kể lại cơ duyên đến với nghệ thuật.

“Năm 10 tuổi, tôi sang Trung Quốc học nhạc, được học từ thầy Phạm Tuyên và thầy Nguyễn Hữu Hiếu – người đầu tiên chỉ huy dàn hợp xướng ở Việt Nam và thầy Túc (người Trung Quốc). Về nước, tôi phụ trách dàn hợp xướng 100 người và dàn nhạc 20 người tại trường Lý Thường Kiệt (nay là trường Việt Đức) ở Hà Nội. Người bạn Phú Quang thổi kèn cor trong ban nhạc, sau này trở thành nhạc sĩ nổi tiếng. Năm 1960, khi mới 19 tuổi, tôi sáng tác ca khúc đầu tiên Tiếng hát bản Mường và sau đó là hợp xướng Tiếng ca trên bè gỗ, đều đạt giải trong các cuộc thi dành cho học sinh – sinh viên của Hà Nội. 

Do gia đình không khuyến khích theo đuổi nghệ thuật nên tôi chọn học khoa Sinh, Đại học Tổng hợp. Thế nhưng, ngay đầu năm 1961 tôi đã lén thi và trúng tuyển vào đội kịch gồm 15 người (có cả bạn Trọng Khôi mà sau này trở thành NSND và Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam) được chọn từ mấy trăm thí sinh, thuộc Đoàn nghệ thuật của Bộ Văn hóa cử sang Liên Xô học 5 năm. Tuy nhiên, vì tình hình quốc tế lúc đó nên đội kịch phải ở lại, tôi mới an phận học tiếp”.

z5876849045662_d3ff16fd711cdf037d860beb418f3e1c.jpg

Sau này, khi làm khoa học, PGS-TS Nguyễn Lân Cường vẫn say sưa sáng tác. Bởi vậy hơn 60 năm qua cùng với những công trình nghiên cứu quan trọng về ngành cổ nhân học, ông còn có khoảng 80 tác phẩm âm nhạc. Nhiều sáng tác của ông bắt nguồn từ những dòng nhật ký nóng hổi về các sự kiện thời sự như chiến thắng của Đội tuyển bóng đá Việt Nam, cuộc chiến chống Covid… nên tạo được sự gần gũi với người nghe cũng như sức lan tỏa mạnh mẽ. Bài ca địa chất gồm 3 chương và đạt giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam được PGS-TS Nguyễn Lân Cường lấy cảm hứng từ những chuyến công tác khảo cổ đầy gian nan.

Bên cạnh những tác phẩm xúc động lòng người như: Vị tướng của lòng dân, Về đi em, Có lẽ nào lại thế, Bài ca về những người lính đảo, Sau lời tuyên thệ, Cảm xúc Hoàng Thành... nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường còn có nhiều ca khúc thiếu nhi như: Con búp bê của em, Đèn đỏ thì dừng đèn xanh mới đi, Con thích làm nghề gì?, Chúng em mừng Điện Biên 60 mùa hoa…

“Trong một lần đi xe máy, tôi bắt gặp hai bố con, người bố phóng vụt lên khi đèn chưa chuyển xanh và em bé càu nhàu: ‘Ở lớp cô dạy con rằng đèn đỏ thì dừng, đèn vàng chuẩn bị còn đèn xanh mới đi’. Ý tưởng bật ra, tôi dựng ngay xe sát vỉa hè và viết nhạc ngay trên tờ phiếu ăn, tờ giấy duy nhất tôi giữ trong người lúc ấy. Sau này ca khúc đoạt giải cao nhất trong cuộc thi về an toàn giao thông với tiền thưởng 25 triệu đồng. Tôi dùng số tiền đó mua ngay đàn piano giúp cho việc sáng tác thuận lợi hơn chiếc organ cũ kỹ”, nhạc sĩ nhớ lại.

Nhạc sĩ Lân Cường kể lại câu chuyện thú vị khi viết nhạc cho thiếu nhi:

Ông nói thêm: “Viết nhạc thiếu nhi vừa khó lại vừa ít tiền nhưng tôi vẫn thích vì yêu trẻ con, yêu sự thật thà, trong sáng của chúng. Khó ở chỗ người nhạc sĩ không thể dùng suy nghĩ, cái nhìn của người lớn để viết cho các em. Cao độ cũng vừa phải, không cao quá hay trầm quá các bé sẽ khó hát. Trẻ em rất hồn nhiên nên sẽ là những giám khảo công tâm nhất, nếu không yêu thích sẽ không hát đâu”.

Đặc biệt, cuốn sách Nhật ký trên khóa sol của nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường chứa đựng những tác phẩm, những kỷ niệm, tình cảm của bạn bè với nhà khoa học đa tài.

z5870691184899_72488e9c45a64d56085d827e77767ef0.jpg
“Nhật ký trên khóa sol” là một tác phẩm chứa rất nhiều tâm huyết của nhạc sĩ – nhà cổ nhân học Nguyễn Lân Cường. Ảnh: Linh Đan

Ngoài nghiên cứu khảo cổ và sáng tác nhạc, PGS-TS Nguyễn Lân Cường còn có tài hội họa. Ông vẽ tranh sơn dầu từ năm 1962. Một trong những tác phẩm đáng tự hào của ông là sách Bộ xương nói với bạn điều gì, gồm 320 hình minh họa bộ xương người do chính PGS tự tay vẽ. “Có hình vẽ mất khoảng 4 giờ để hoàn thành, tôi vẽ từng chi tiết rất tỉ mỉ. Khác với vẽ nội tạng, vẽ xương hay răng đều không cần dùng màu sắc để phân biệt nên tôi chỉ dùng những chấm đen nhỏ li ti, điều này khiến công việc trở nên thú vị hơn rất nhiều”, PGS nói.

“Vợ luôn ủng hộ tôi hết lòng”

PGS-TS Nguyễn Lân Cường kết hôn và có con khá muộn. Năm 41 tuổi ông mới cưới vợ. Bà xã là hậu phương vững chắc, một tay vun vén chăm lo nhà cửa và nuôi dưỡng con cái bởi ông cứ đi biền biệt theo những chuyến khảo cổ khắp nơi. 

Cô con gái đầu lòng chào đời đúng ngày 2/9/1982 được vợ chồng ông đặt tên khá độc đáo là Hoa Cương, đang sống cùng bố mẹ. Cậu con trai tên là Nguyễn Lân Chương, học chuyên Anh, sau đó tiếp tục học tại RMIT chuyên ngành tài chính ngân hàng và du học tại Nhật Bản. Hiện nay, cậu giảng dạy và làm lập trình trong một trung tâm dạy tiếng Nhật ở Hà Nội.

lan cuong 2 16182071818551278335334.jpg
Anh chị em trong gia đình đến chúc mừng nhạc sĩ Lân Cường trong buổi ra mắt sách “Nhật ký trên khóa sol”. Ảnh: NVCC

“Điều thú vị là trong đại gia đình Nguyễn Lân, các con, cháu, chắt… nếu là nam đều có chữ Lân sau họ. Khi tập trung đông đủ, đại gia đình tôi có đến khoảng 80 người, tạo thành một cộng đồng rất đặc biệt”, ông nói.

z5876859438338_e0d4ffd4d986627d9a04b62e8bdc3276.jpg
PGS-TS Nguyễn Lân Cường là chuyên gia nghiên cứu nhiều bộ xương người cổ nhất Việt Nam.

Ở tuổi 83, nhà khoa học hàng đầu về cổ nhân học được Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao tặng danh hiệu “Người nghiên cứu nhiều nhất các di cốt người Việt cổ Việt Nam: 1.093 cá thể”, vẫn phóng xe máy với tốc độ 50-55km đến những địa điểm khai quật khảo cổ quanh Hà Nội.

“Tôi đi xe máy thường xuyên mà muốn đi xe nhanh phải luyện mắt tốt và đặc biệt là sự chắc chắn, linh hoạt của đôi tay để xử lý tình huống trên đường”, ông hồ hởi khoe.

Bàn về dự định trong tương lai, PGS-TS Nguyễn Lân Cường cho biết: “Sắp tới, tôi sẽ phát hành cuốn Lần theo dấu vết những ngôi mộ cổ nhưng không chỉ tập trung vào yếu tố chuyên môn mà sẽ kể chuyện một cách sinh động. Trong đó, tôi chia sẻ hành trình đi tìm mộ của công chúa Lý Kiều Oanh cùng nhà ngoại cảm nổi tiếng Hoàng Thị Thiêm, hay ngôi mộ hợp chất ở Vườn Đào hoặc 2 ngôi mộ thời Lục Triều rất hoành tráng ở khu đô thị Ciputra (Hà Nội).

“Tôi vẫn nói vui với học trò rằng sang thế giới bên kia, mình vẫn làm nhạc, dạy học, làm khảo cổ”, trước khi chia tay PV VietNamNet, PGS-TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường không quên nhắn nhủ như thế.

Ảnh, clip: Linh Đan

PGS-TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường

PGS-TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường sinh năm 1941, ông là con thứ tư của cố NGND Nguyễn Lân. PGS-TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường nổi tiếng là chuyên gia đầu ngành về cổ nhân học cũng như làm chủ nhiệm các đề tài quốc gia về nghiên cứu, phục chế, tu bổ bốn nhục thân của Việt Nam ở các chùa: Đậu, Tiêu Sơn và Phật Tích….. Ông nguyên là Phó Chủ tịch thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội, nay là Trưởng Ban Kiểm tra và Đối ngoại của Hội Âm nhạc Hà Nội, Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam và chỉ huy Dàn hợp xướng Hanoi Harmony.

Ký ức đẹp của Hà Nội qua những thanh âm của Tiến sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Thành TrungNhân kỷ niệm kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung ra mắt hai ca khúc “Thanh âm Hà Nội” và “Cô đơn giữa Hà Nội”, là lời tự sự của người con Thủ đô trước những thay đổi từng ngày của thành phố.