Gắn sao cho xe khách không những giúp hành khách phân biệt được chất lượng dịch vụ giữa các đơn vị vận tải mà còn giúp các doanh nghiệp đo lường được mức độ hài lòng của hành khách. Tuy nhiên, có nên bắt buộc thực hiện việc này?
Khuyến khích công bố chất lượng dịch vụ
Đã hơn 2 năm Công ty TNHH Vận tải Hà Sơn – Hải Vân đưa vào dịch vụ phòng chờ tiêu chuẩn 5 sao phục vụ hành khách như phòng chờ VIP ở các sân bay.
Trong thời gian chờ xe xuất bến, hành khách có thể ngồi uống cafe, sử dụng khoảng 20 loại đồ ăn, nước uống miễn phí, sử dụng các tiện nghi hiện đại.
Ông Lê Việt Sơn, Chủ tịch HĐQT công ty chia sẻ, hệ thống phòng chờ VIP nhận được đánh giá cao từ phía khách hàng. Lượng khách sử dụng dịch vụ phòng chờ VIP lên đến hơn 800.000 lượt khách/năm.
Để thuận tiện hơn cho khách hàng, doanh nghiệp đã đưa các ứng dụng đặt vé thông minh qua app, website, sử dụng xe trung chuyển tổ chức đón, trả khách tận nhà tại một số khu vực.
Thời gian qua, nhiều đơn vị vận tải đã làm như cách của Hà Sơn – Hải Vân khi xây dựng và công bố tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ xe VIP, chất lượng cao, “hàng không mặt đất” để gây ấn tượng với hành khách. Tuy vậy, số doanh nghiệp có cách làm này không nhiều.
Thống kê của Cục Đường bộ VN, cả nước hiện có 86.000 đơn vị kinh doanh vận tải với hơn 921.000 xe. Đa số các đơn vị có quy mô nhỏ lẻ, manh mún nên việc quản lý các điều kiện về an toàn và chất lượng dịch vụ chưa được quan tâm đúng mức.
Hướng dẫn Luật Đường bộ 2024, Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 36/2024 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và hoạt động của bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ.
Trong đó quy định: Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, bằng xe taxi phải xây dựng công bố tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải.
Đại diện Cục Đường bộ VN cho biết, quy định nhằm khuyến khích đơn vị vận tải xây dựng và công bố chất lượng dịch vụ gồm: Chất lượng phương tiện; lái xe và nhân viên phục vụ; hành trình; tổ chức, quản lý của đơn vị; quyền lợi của hành khách.
“Ví dụ doanh nghiệp có thể niêm yết và công bố chất lượng dịch vụ như có khăn lạnh, nước uống miễn phí trên xe, có phòng chờ VIP, miễn phí đồ ăn nhẹ… để thu hút khách hàng. Đăng ký mức độ đến đâu là do doanh nghiệp tự quyết định”, vị đại diện nói.
Có nên bắt buộc?
Nhiều ý kiến cho rằng, kinh doanh vận tải là có điều kiện, thay vì khuyến khích, nên ban hành quy chuẩn về chất lượng dịch vụ vận tải nhằm tăng cường quản lý, giám sát.
Trong chuyến kiểm tra đầu năm 2024 tại các bến xe trên địa bàn Hà Nội, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã gợi ý nhiều giải pháp, trong đó có vấn đề gắn sao cho xe khách để nâng chất lượng dịch vụ.
Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải Thương mại Dịch vụ Đất Cảng bày tỏ, gắn sao xe khách là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.
Nếu có các tiêu chí rõ ràng, doanh nghiệp sẽ cạnh tranh lành mạnh, minh bạch. Cùng đó, các bến xe cũng phải gắn sao để tương xứng với hoạt động vận tải.
Lãnh đạo nhiều công ty vận tải cũng cho rằng, công tác hậu kiểm nên giao cho các sở GTVT vì cơ quan này quản lý được cả số lượng và chất lượng phương tiện, nắm được chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp trên địa bàn.
Tuy vậy, theo một chuyên gia giao thông, thực tế các đơn vị vận tải có quy mô như Văn Minh, Mai Linh, Kumho – Samco… đều là thương hiệu mạnh và là sự lựa chọn của nhiều khách hàng. Do vậy, khách hàng chính là người quyết định gắn sao, không cần phải ra thêm văn bản, quy định.
Nhà nước không can thiệp hoạt động doanh nghiệp
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, việc bắt buộc có tiêu chuẩn dịch vụ là ý tưởng tốt.
Tuy nhiên, đặc thù của lĩnh vực vận tải Việt Nam đa phần là nhỏ, lẻ, phân tán, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể chiếm tỷ trọng lớn. Vì vậy, việc ban hành quy chuẩn chất lượng dịch vụ, chỉ mang tính chất hình thức.
Thêm nữa, sản phẩm dịch vụ vận tải mang tính trừu tượng cao, khó có một thước đo chuẩn để kiểm nghiệm. Trong khi đó, đối tượng sử dụng dịch vụ có nhu cầu chất lượng khác nhau chứ không phải ai cũng giống ai.
Theo ông Quyền, việc quy định chất lượng dịch vụ chỉ nên mang tính định hướng, còn doanh nghiệp sẽ chủ động công bố để thu hút khách.
Về vấn đề này, đại diện Cục Đường bộ VN cho biết, trước đây đã được giao ban hành quy chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách bằng xe ô tô (gắn sao cho xe và phân thành 5 hạng từ 1 – 5 sao).
Tuy nhiên, sau đó đã bỏ quy định này vì theo kiến nghị của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp VN – (VCCI), nhà nước không can thiệp vào việc nội bộ của doanh nghiệp.
Theo đại diện Cục Đường bộ VN, tuy không bắt buộc nhưng khi đơn vị vận tải đã xây dựng, đăng ký và công bố tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ mà không thực hiện đúng, bị hành khách phản ánh với cơ quan chức năng thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2020 với lỗi vi phạm không đảm bảo chất lượng dịch vụ như đã đăng ký.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/co-nen-gan-sao-cho-xe-khach-192241205222233925.htm