Gần đây, trên mạng xã hội, có thông tin ở một tỉnh miền núi phía Bắc, để tổ chức chương trình văn nghệ đêm 30 Tết Giáp Thìn 2024, thành phố thuộc tỉnh này đã yêu cầu một số trường học trên địa bàn phải tham gia các tiết mục ca múa hát… để phục vụ nhân dân vui đón giao thừa.
Sự việc này đã khiến đội ngũ giáo viên và cộng đồng mạng xã hội rất bức xúc. Giáo viên cho rằng, vai trò của họ là dạy học chứ không phải làm văn nghệ. Tổ chức, tham gia múa hát, biểu diễn lẽ ra phải là trung tâm văn hóa tỉnh, trung tâm văn hóa thành phố, đoàn nghệ thuật ca múa nhạc… Lẽ nào lực lượng chuyên nghiệp này không tổ chức được một chương trình văn nghệ mừng xuân mà phải bắt buộc các trường tham gia.
Do bị chỉ định nên ban giám hiệu đã ép xuống giáo viên. Theo nhiều giáo viên, cả năm đã vất vả “trồng người”, đêm 30 tết cần phải ở nhà dọn dẹp, sửa soạn đón giao thừa… với núi việc không tên thì lại phải đi nhảy múa, hát hò mà từ chối thì không được, không dám vì nhiều lý do tế nhị, rất khó nói ra.
Có lẽ, tình trạng này không đơn lẻ ở một vài nơi mà còn diễn ra ở nhiều địa phương khác nữa. Nhiều người giãi bày, nếu ngày bình thường hoặc các dịp lễ lớn khác thì không sao, chứ đêm 30 tết bắt giáo viên bỏ gia đình, nhà cửa để đi biểu diễn văn nghệ là không nên. Ngành văn hóa – thể thao – du lịch cần phải làm tốt hơn vai trò, chức năng của mình trong những dịp thế này, tránh tình trạng huy động quá mức nhân sự của ngành giáo dục.
Cách đây vài năm, đã từng rộ lên vụ một số nơi ép giáo viên đi tiếp rượu, tiếp khách, giao tế… khiến dư luận phẫn nộ. Sau đó, ngành giáo dục phải ra văn bản cấm. Thế thì, với việc ép giáo viên đi ca múa hát mà bản thân họ không muốn, không phải nhiệm vụ, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng cần phải có chỉ đạo, hướng dẫn để giúp thầy cô nói lên tiếng nói của mình tốt hơn.
Cũng liên quan đến tết nhất, hiện nay còn có tình trạng, nhiều nơi, nhiều trường bắt giáo viên phải trực Tết Nguyên đán (mỗi ca 2-3 người, trực cùng bảo vệ). Hiệu trưởng phân công, cắt cử giáo viên theo kiểu ép buộc, không công, khiến nhiều người bất bình, phản đối vì bất cập.
Nhiều người cho rằng, Bộ luật Lao động, Luật Viên chức, Luật Giáo dục… đều không quy định giáo viên phải trực. Theo quy định, dịp tết, giáo viên được nghỉ hưởng nguyên lương (gồm cả phụ cấp). Còn nếu giáo viên phải trực thì theo Bộ luật Lao động, phải được hưởng ít nhất 300% lương theo quy định làm thêm giờ.
Thế nhưng, lâu nay, tình trạng giáo viên phải trực tết khá phổ biến và thường là… không công. Bất cập ở chỗ, hầu như các trường đều có bảo vệ. Nếu cần trông trường thì đã giao nhiệm vụ này cho bảo vệ. Mà cần tiếp khách thì ngày tết cũng ít cơ quan, đoàn thể, phụ huynh đến thăm.
Cho nên, ngành giáo dục cũng cần chỉ đạo, quy định rõ hơn về vấn đề này để vừa hợp tình hợp lý, vừa đúng quy định của luật. Đã gọi “nghỉ tết” là phải được nghỉ, không phải đi làm, trừ việc sắp xếp lao động theo ca kíp hoặc những trường hợp đặc biệt phải ứng trực liên tục như quân đội, bệnh viện, cảnh sát, phòng cháy… còn khối hành chính sự nghiệp thì không cần phải quy định cứng nhắc như thế, mà với từng lĩnh vực cần linh hoạt.
VĂN PHÚC