Tại Palestine, có một người đàn ông 40 tuổi có cái tên đặc biệt Giap F Khumayit, được đặt theo tên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Câu chuyện lý thú được dịch giả trẻ người Palestine, anh Saleem Hammad, kể trong buổi giới thiệu bộ sách ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Vị tướng của lòng dân ngày 20-4 tại Hà Nội.
Sự kiện được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tổ chức trong khuôn khổ Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024.
Sách do PGS.TS. Vũ Trọng Lâm – giám đốc – tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật làm chủ biên.
Ngoài những bài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáo theo chủ đề, mốc thời gian quan trọng, sách tập hợp những hình ảnh quý về cuộc đời hoạt động cách mạng và trong lòng nhân dân của Đại tướng.
Sách được phát hành bằng tiếng Việt và năm bản song ngữ: Việt – Anh, Việt – Pháp, Việt – Tây Ban Nha, Việt – Trung, Việt – Arập.
Người Palestine rất yêu quý và tôn kính Việt Nam
Dịch giả Saleem Hammad là người dịch cuốn sách này sang tiếng Arập. Anh đã có 12 năm sinh sống ở Việt Nam.
Anh kể tại đất nước anh, Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… rất thân thuộc với người dân.
Thắng lợi của Việt Nam trong công cuộc chống ngoại xâm cũng như trong quá trình xây dựng đất nước, trước đây và bây giờ vẫn luôn tạo cảm hứng cho nhân dân Palestine tiếp tục xây dựng tương lai tốt đẹp hơn.
Nhiều người dân Palestine có lòng kính trọng đặc biệt với lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tới nỗi có người còn lấy tên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt tên cho con mình, để thể hiện lòng kính trọng và ngưỡng mộ lớn lao.
Ở một ngôi làng nhỏ, nơi người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, rất ít quan tâm đến chính trị, nhưng lại có một trường hợp ngoại lệ là ông Khumayit.
Ông đã tìm hiểu về Việt Nam từ khi còn trẻ, trong thời gian ngồi tù vì hoạt động cách mạng. Và ngay khi biết về cuộc cách mạng của nhân dân Việt Nam, được biết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông đã nghĩ rằng khi được ra tù sẽ đặt tên con mình là Giáp.
Ông đã làm đúng như dự định. Con trai ông mang cái tên Việt: Giap F Khumayit.
Chính gia đình dịch giả Saleem Hammad cũng có cảm tình đặc biệt với Việt Nam. Anh kể, anh từng giành được bốn học bổng của bốn nước, nhưng vì là lao động chính trong nhà nên bố mẹ anh muốn anh học trong nước để tiếp tục giúp đỡ gia đình.
Nhưng thời gian sau anh giành được học bổng du học tại Việt Nam thì bố mẹ anh lập tức đồng ý. “Ừ nếu đi học ở Việt Nam thì được, bố mẹ tôi đã nói như vậy”, dịch giả Saleem Hammad kể.
Phút lặng buồn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Kể về ba mình, ông Võ Hồng Nam – con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp – kể mấy câu chuyện gia đình.
Ông bảo, giống như mọi gia đình khác trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, trong kháng chiến, phải chịu cảnh chia cách, ba ông – Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng sớm xa gia đình đi hoạt động cách mạng, khiến những khoảnh khắc quan trọng của người thân lại không được ở bên.
“Như quãng thời gian ông đi gặp Bác Hồ và hoạt động ở phía Bắc thì “mẹ Nguyễn Quang Thái (vợ đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) bị bắt và hy sinh trong tù nhưng ba tôi cũng không hay biết.
Sau đó chiến tranh nổ ra, khi ba đánh ở Việt Bắc thì ở quê nhà ông nội bị bắt vào nhà lao và hy sinh trong tù, ba cùng không thể kể cận.
Mãi sau này, khi đất nước hòa bình thống nhất, ba mới giao tôi tìm mộ ông nội”, ông Võ Hồng Nam kể và khẳng định đó là hoàn cảnh của rất nhiều gia đình trong hai cuộc kháng chiến ở thế kỷ XX.
Và đó chính là những phút lặng đầy hy sinh của vị đại tướng mà tiếng tăm lừng lẫy trên cả thế giới.